Dạy học sinh chống bạo lực: Những bài đạo đức vượt ngoài giáo án

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/05/2023 06:06 GMT+7

Từ tiểu học, với các môn học trên lớp, đặc biệt là môn đạo đức, trẻ đã được học gì về bạo lực học đường, những cách bảo vệ chính mình và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực?

KHÔNG GÓI GỌN DẠY ĐẠO ĐỨC TRONG MỘT TIẾT/TUẦN

Tại Trường tiểu học Cầu Xáng, H.Hóc Môn, TP.HCM, mỗi tuần học sinh (HS) học một tiết môn đạo đức. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, trẻ được làm quen với những chủ đề trong bài học một cách tự nhiên, sinh động hơn khi cô giáo có thể cho HS khởi động qua các video clip, bài hát. Sau đó, phần khám phá giúp HS được phát triển các năng lực, phẩm chất. Sau cùng, các em được luyện tập, thực hành.

Dạy học sinh chống bạo lực: Những bài đạo đức vượt ngoài giáo án   - Ảnh 1.

Cách bền vững nhất là nuôi dưỡng cho trẻ trí tuệ cảm xúc, giúp các em tự tin, thấu cảm, có trách nhiệm...

NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, quan niệm rằng giáo dục đạo đức cho HS là một hành trình xuyên suốt, phải được lồng ghép trong nhiều môn học, nhiều hoạt động, tại Trường tiểu học Cầu Xáng, trong các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, thi Rung chuông vàng, giới thiệu những cuốn sách hay… HS cũng được học, vun đắp tình cảm tích cực về từng chủ đề như tình bạn, tình cảm gia đình…

"Những chia sẻ của thầy hiệu trưởng mỗi sáng thứ hai đầu tuần; những lời dặn dò của cô giáo chủ nhiệm ở mỗi tiết sinh hoạt lớp; những bài học trong hoạt động kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa cho HS mỗi tuần…, tất cả đều lồng ghép trong đó những bài học đạo đức. Đồng thời, chúng tôi rất coi trọng những buổi họp phụ huynh, nơi đây sẽ bắc nhịp cầu giữa phụ huynh và giáo viên, để phụ huynh có thể chia sẻ với thầy cô giáo, nắm bắt tâm tư tình cảm của các HS, điều chỉnh hành vi của các em", cô Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Cầu Xáng, cho biết.

Dạy học sinh chống bạo lực: Những bài đạo đức vượt ngoài giáo án   - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Cầu Xáng, H.Hóc Môn, TP.HCM trong một hoạt động kỹ năng sống về phòng tránh bắt nạt học đường

KIM CÚC

DẠY TRẺ KHÔNG IM LẶNG KHI BỊ BẮT NẠT

Tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cô Nguyễn Minh Thúy An, giáo viên chủ nhiệm lớp 2, cho biết môn đạo đức được dạy cho các HS không chỉ gói gọn trong 35 phút của một tiết học/tuần. Chương trình được tích hợp để dạy theo chủ điểm trong các môn học khác như tiếng Việt, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống...; thông qua các bài đọc, bài học về an toàn giao thông, tìm kiếm sự giúp đỡ...

Đặc biệt với các chủ đề bạo lực học đường, yêu thương bạn bè, mỗi giáo viên giáo dục cho HS ngay trong các tiết sinh hoạt mỗi tuần và trong giờ học hằng ngày.

Đào tạo cho trẻ kỹ năng giải quyết mâu thuẫn

Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, chuyên gia tâm lý Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho rằng những HS hay đi bắt nạt bạn bè có thể có những bất ổn bên trong tâm lý, có những khó khăn, khúc mắc cần người sẻ chia, tháo gỡ. Do đó, càng cần phát huy vai trò của phòng tâm lý trong trường học để mọi trẻ em có nơi trợ giúp, tham vấn.

Theo thạc sĩ Thiện, cần tăng cường đào tạo kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, giáo dục cho HS kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng xử trí khi bị bắt nạt…

Một buổi sáng, cô giáo Thúy An sửa bài cho một bạn trong lớp nhưng cả lớp ồ lên cười. Cô nghiêm mặt nói: "Cô sửa lỗi sai cho bạn và nói chung để cả lớp cùng tránh. Cô không thấy có gì vui hay có gì đáng chế giễu cả. Cô không thấy chế giễu người khác có gì vui". Hay thấy một bạn vấp té, nhiều bạn cười, cô An khuyên ngay, thay vì cười, các con hãy đỡ bạn dậy.

Cô An luôn khuyên nếu có bạn nào đang có hành vi bạo lực (đánh hoặc chế giễu mình), HS hãy rời khỏi nơi đang đứng, đi đến nơi khác, tránh xa người đó để bản thân bình tĩnh và thoát khỏi hành vi bạo lực lớn hơn. Nếu hiện tượng lặp đi lặp lại hoặc khiến các em đau, chảy máu, uất ức thì phải báo ngay với thầy cô giáo.

Thường hình phạt cô An dành cho hai bạn đánh nhau là ôm nhau trước lớp làm hòa.

"Hiệu trưởng trường tôi luôn dặn các giáo viên hãy giải quyết mọi bức xúc của HS dù là nhỏ, vì người lớn hay trẻ em khi không được giải quyết vấn đề của mình đều căng thẳng. Đừng để trẻ nhỏ mất lòng tin ở người lớn", cô An bộc bạch.

THAY ĐỔI NHẬN THỨC HỌC SINH VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Cô Võ Thị Trúc Quỳnh, Phó giám đốc chuyên môn Trường Victoria Nam Sài Gòn, H.Nhà Bè, TP.HCM, cho biết để tìm ra những giải pháp gốc rễ cho vấn đề bạo lực học đường, cô luôn đặt ra hai câu hỏi: Vì sao nhiều trẻ muốn/thích bắt nạt bạn khác? Và vì sao nhiều đứa trẻ cam chịu khi bị bắt nạt?

"Bên cạnh các môn học giúp HS hình thành nhân cách tốt đẹp như đạo đức, giáo dục công dân, chúng tôi tin rằng việc giúp trẻ em hình thành thói quen suy nghĩ - hành động - cảm xúc tích cực là rất quan trọng. Khi những thói quen tích cực được nuôi dưỡng, trí tuệ cảm xúc được quan tâm phát triển, sức mạnh nội tại của từng HS sẽ được vun bồi", cô giáo Trường Victoria Nam Sài Gòn cho biết.

Theo cô Quỳnh, đồng hành với các bài học của chương trình giúp phát triển trí tuệ cảm xúc - xã hội, HS còn được tham gia các hoạt động giáo dục tính cách được tổ chức dưới dạng chủ đề học tập từng tháng.

"Ngày mặc áo hồng" chống bạo lực học đường

Nguồn gốc của phong trào "Ngày mặc áo hồng" (Pink Shirt Day) bắt đầu từ câu chuyện có thật năm 2007, tại Trường Central Kings Rural High School, bang Nova Scotia (Canada). Với ý nghĩa phản đối bạo lực học đường, phong trào "Ngày mặc áo hồng" tạo nên làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ tại các trường học ở Canada và lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Ngày mặc áo hồng thường là ngày thứ tư cuối cùng trong tháng 2.

Tại TP.HCM, nhiều trường học cũng có phong trào "Ngày mặc áo hồng". Hệ thống Trường mầm non CVK, Trường song ngữ quốc tế Canada, Trường quốc tế Canada đều có ngày mặc áo hồng, cùng nhau thực hiện hoạt động truyền tải sự yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, trao nhau nụ cười và những cái ôm siết chặt.

Thông qua các chủ đề giáo dục tính cách, nhà trường khuyến khích các hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; trao quyền tự chủ và chủ động học tập cho HS; rèn luyện tính kiên trì, vượt khó, tự tin, thúc đẩy sự tiến bộ của bản thân, và cuối cùng là có sự đồng cảm, thấu cảm với người khác.

Theo những người làm giáo dục, cách tiếp cận môn đạo đức hay giáo dục công dân vượt ra khỏi khuôn khổ những tiết học của sách giáo khoa không chỉ thay đổi nhận thức về bạo lực trong học đường mà còn giúp học trò thay đổi cả nhận thức về bạo lực học đường và cả bạo lực trong gia đình.

"Khi mỗi HS thấu hiểu giá trị của bản thân, tự tin với nội lực của chính mình, và hình thành thói quen suy nghĩ - hành động tích cực, bắt nạt học đường sẽ tự khắc bị xóa bỏ, vì không còn kẻ bắt nạt, cũng như nạn nhân cam chịu", cô Quỳnh nói.

Và hiển nhiên, khi mỗi cá nhân thấu hiểu giá trị của bản thân, tự tin với nội lực của chính mình, quan tâm tới những người xung quanh, sống tích cực, biết sẻ chia… thì bạo lực trong gia đình dần dần sẽ biến mất và những nạn nhân im lặng khi bị bạo hành cũng không còn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.