Từ 12 - 14.4, (mùng 1 - 3.3 âm lịch), tại xã Thượng Mỗ, H.Đan Phượng, TP.Hà Nội đã diễn ra lễ hội truyền thống đền Đức Bà, Đệ nhị cung phi, bà chúa của những điệu ca trù vùng quê Thượng Mỗ.
Học sinh thành “tướng ông, tướng bà”
Lễ khai mạc đã diễn ra ấn tượng với đoàn cờ người gồm 32 quân là những học sinh lớp 8 và lớp 11. 32 học sinh mặc trang phục lễ hội truyền thống, hào hứng trên sân cờ người, giúp các em hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đây là lần đầu tiên Thượng Mỗ tổ chức trò chơi dân gian cờ người, các em học sinh được dạy về cách chơi cờ để biết mình là quân gì, được đi những nước nào, tác phong ra sao.
|
32 quân cờ gồm 16 nam và 16 nữ là các em học sinh lớp 8 Trường THCS Thượng Mỗ chia thành hai phe. Mỗi phe có một tướng: tướng nam là tướng ông, trang phục đỏ; tướng nữ là tướng bà, trang phục xanh. Tướng ông, tướng bà 17 tuổi, là học sinh Trường THPT Đan Phượng, được tuyển chọn để có ngoại hình nổi bật nhất trong số 32 quân cờ.
Tham gia lễ hội với vai trò tướng bà trong cuộc thi cờ người, bạn Đỗ Thị Dung (17 tuổi, Trường THPT Đan Phượng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tham gia lễ hội lớn của làng nên em cảm thấy khá tò mò vì thường chỉ được nghe kể hoặc xem trên mạng. Nhưng khi được trở thành một quân cờ em cảm thấy rất tự hào. Qua lễ hội em học được nhiều điều mới từ văn hóa tốt đẹp tự xa xưa của ông cha ta. Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời em.”
|
Cô giáo Trần Thị Minh Tú, giáo viên Trường THCS Thượng Mỗ, cho biết: “Các bạn học sinh đều rất vui, hào hứng. Không chỉ biết thêm được kiến thức về cờ người, về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, mà đây còn là cơ hội để tình bạn của các em thêm gắn kết. Tôi cảm thấy đây là trò chơi rất là hữu ích đối với các em”.
“Là tướng thì không bao giờ được cúi mặt”
Chia sẻ với Thanh Niên, cụ Nguyễn Khắc Thu (85 tuổi, người dân xã Thượng Mỗ) là ông nội của "tướng ông" Nguyễn Khắc Vũ (17 tuổi, Trường THPT Đan Phượng) tự hào nói: “Tôi phấn khởi vì cháu tôi đóng vai tướng ông. Cháu đã hoàn thành tốt vai trò của mình từ đi đứng, phong thái. Ví dụ, khi đi gót chân phải chạm đất trước mới ra dáng tướng bệ vệ, oai hùng. Đặc biệt, đã là tướng thì không bao giờ được cúi mặt xuống, phải luôn ngẩng cao đầu quan sát để ứng biến kịp thời".
Cụ Thu cũng chia sẻ đây cũng là dịp để giáo dục lớp trẻ luôn nhớ về lịch sử, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
|
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết Lễ hội truyền thống đền Đức Bà, Đệ nhị cung phi hoàng hậu của xã Thượng Mỗ 5 năm tổ chức một lần hội lớn, từ ngày ngày mùng 1 - 3.3 âm lịch, tại đền Đầm Giếng, thôn An Sơn 1, xã Thượng Mỗ.
|
Bên cạnh cờ người, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian thú vị như thi kéo co, bịt mắt bắt heo, thổi cơm thi, bịt mắt đập niêu, du thuyền hát quan họ... thu hút đông đảo du khách thập phương.
Theo truyền thuyết, vào cuối thế kỷ 17, vua Lê Chính Hòa trong một lần đi kinh lý bất chợt nghe tiếng hát trong trẻo, đầy ẩn ý của một người con gái, đã đón người đó về làm vợ, sắc phong là Đệ nhị cung phi, phụ trách các phi tần, dạy lễ nhạc trong nội điện, đặc biệt là dạy hát ca trù. Khi mất, bà được an táng tại cánh đồng làng Thượng Mỗ.
Nhân dân thương tiếc người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đã lập đền thờ bà bên Đầm Giếng. Người con gái ấy là bà Nguyễn Thị Hồng, bà chúa của những điệu ca trù vùng quê Thượng Mỗ, hàng năm vào ngày 2.3 âm lịch nhân dân địa phương lại tổ chức lễ tế trọng thể tại đền để tưởng nhớ công đức của bà.”
|
Bình luận (0)