Dạy - học văn ở trường tiểu học: Bức tranh không hồn

06/12/2011 00:19 GMT+7

Những bài văn dở khóc dở cười của học sinh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt nguồn từ những bài làm hời hợt, thiếu cảm xúc ở những năm tiểu học.

Những bài văn dở khóc dở cười của học sinh trong các kỳ thi tốt  nghiệp THPT bắt nguồn từ những bài làm hời hợt, thiếu cảm xúc ở những năm tiểu học.

Kỹ năng viết văn cũng như việc hun đúc tâm hồn cho học sinh (HS) qua môn văn hình thành ngay từ bậc tiểu học. Thế nhưng, trên thực tế việc dạy văn ở bậc học này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Chương trình quá ôm đồm

Một giáo viên cho rằng chương trình tiểu học bây giờ đã giảm tải nhưng vẫn còn quá ôm đồm, mảng nào cũng học. Chỉ riêng lớp 4 vừa học viết thư, kể chuyện, tả cảnh..., HS chưa kịp khắc sâu thì đã phải chuyển sang nội dung khác nên khi lên lớp trên bị “rỗng” kiến thức là lẽ đương nhiên. Để “chạy” cho kịp chương trình, giáo viên phải giao bài về nhà mà thiếu sự hướng dẫn tỉ mỉ, chỉnh sửa chi tiết. Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “HS ít có cơ hội phát triển suy nghĩ độc lập và sáng tạo là do lớp học quá đông, cô giáo không thể theo dõi kèm cặp từng em. Những HS trung bình yếu ít có cơ hội phát biểu ý kiến, từ đó trẻ gặp khó khăn khi diễn đạt nên mới mượn văn người khác”.

 
Sách tham khảo văn mẫu từ lớp 2 nhan nhản trong các nhà sách  - Ảnh: Diệp Đức Minh

Một phụ huynh có con học  lớp 3 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể lại: "Hễ có bài tập văn - tiếng Việt là cháu lại nhờ mẹ làm. Trước mỗi kỳ kiểm tra, cô giáo thường cho mấy dạng đề về nhà tập làm, sau đó mang đến lớp cô sửa. Các cháu có nhiệm vụ học thuộc để khi làm bài kiểm tra, trúng đề nào thì làm đề đó". Anh T.Thành, phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường tiểu học Hòa Bình, Q.11, TP.HCM, kể con anh năm nay học lớp 4, bắt đầu học viết văn qua cách viết thư. Thế nhưng giáo viên lại yêu cầu bé phải viết đủ 4 trang mới chấm. Anh Thành buồn bực nói: “Con gái tôi mới được học cách viết thư, một trang giấy đã giỏi lắm rồi, đằng này 4 trang thì sao viết cho nổi. Vậy là tôi đành phải viết luôn cho con dù biết làm giùm con là không tốt”.

 HS nào thường đọc văn mẫu, khi vào lớp sẽ không tập trung vào bài giảng của cô. Từ đó, vốn từ của HS bị hạn chế, không biết làm văn bằng ngôn từ của bản thân. Đồng thời, chính giáo viên khi dạy cũng mất hứng thú
Cô Võ Thanh Nga, giáo viên Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM)

Chấm văn như chấm toán

Một giáo viên tiểu học cho biết, cách chấm điểm thông thường cho một bài văn là chấm cách dùng từ, viết câu, liên kết các câu, liên kết ý từng câu và cả đoạn... Sau đó mới đến cách diễn đạt và ý tưởng. Chính vì vậy HS càng viết theo văn mẫu - nghĩa là đúng chuẩn - thì điểm càng cao.

Với cách chấm điểm này, tiến sĩ Tuyết đặt ra trường hợp: “Nếu bài viết đó giống với 29 bài khác thì rõ ràng tiêu chí chấm điểm này không phù hợp. Các tiêu chí chấm điểm bài văn của trẻ chỉ có nghĩa khi bài văn đó do chính các em nghĩ và viết ra, có thể do trẻ tưởng tượng hoặc kể câu chuyện có thật” - bà nhấn mạnh.

Một số giáo viên thừa nhận nhiều khi ra đề kiểm tra rất gần gũi với học trò nhưng kết quả thu về lại là nhiều bài làm văn giống nhau. Và những bài văn này, giáo viên cũng không thể cho điểm thấp vì kết cấu bài, cách viết câu, liên kết... đều đạt dù giáo viên thừa biết chắc chắn xuất phát từ một tập văn mẫu nào đó.

Phụ thuộc vào giáo viên

"HS có hứng thú với môn văn hay không, có viết được câu văn giàu cảm xúc hay không tất cả đều phụ thuộc vào giáo viên. Mỗi thầy cô phải dạy làm sao để truyền cảm hứng đến HS của mình và dạy văn là dạy theo sự phát triển của từng HS. Có thể đầu tiên giáo viên phải chấp nhận HS chỉ viết được những câu đơn. Giáo viên cũng phải biết được HS có làm theo bài văn mẫu hay không, nhận xét thẳng thắn vào vở để các em rút kinh nghiệm".

Cô Lê Thị Ngọc Điệp
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM)

Cho trẻ nhận xét văn lẫn nhau

“Một trong những cách để tránh rập khuôn theo văn mẫu và kích thích tư duy vốn từ là chia HS theo nhóm và để các em nhận xét bài văn lẫn nhau. Trong quá trình nhận xét, HS sẽ học hỏi cái hay của bạn, điều chỉnh cái dở của mình”...

Cô Võ Thị Thanh Nga
(Giáo viên Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11, TP.HCM)  

Cô Tạ Thị Tuyết Dung, giáo viên Trường tiểu học Đống Đa (Q.Tân Bình, TP.HCM), tâm sự rằng sau 20 năm giảng dạy HS tiểu học, cô cảm thấy buồn vì chiều sâu tâm hồn trong bài văn của trẻ bây giờ không được như ngày trước. “Trẻ bây giờ viết văn vẫn viết được, khơi gợi thì trẻ vẫn nghĩ ra những câu văn hay, nhưng tìm những bài văn có chiều sâu, có tâm hồn, tình cảm xuất phát từ trái tim các em thì hiếm quá!” - cô Dung ngậm ngùi.

Nói về những bài văn của học trò, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết cũng không khỏi chạnh lòng khi cho rằng: “Qua dự giờ bậc tiểu học, tôi  nhận thấy với những đề ra gần gũi như kể lại chuyện em chứng kiến, kể lại việc em đã làm, mô tả những điều em thấy... thì những gì trẻ viết trên bài làm phần lớn đều là giả”.

Sách văn mẫu từ lớp 2

Tình trạng ngôn ngữ trong bài văn của trẻ con thành ngôn ngữ người lớn, HS viết văn giống văn mẫu, bài làm văn phải theo chuẩn mực chung như tóc phải đen nhánh, mũi phải dọc dừa, da phải trắng mịn, mắt mèo phải đen như hòn bi... đã trở nên phổ biến hiện nay.

Nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi những đầu sách văn tràn ngập trong các nhà sách. Ngay như lớp 2 và 3 chỉ học cách viết đoạn văn ngắn, đơn giản nhưng cũng có rất nhiều loại sách văn mẫu không kém lớp cuối cấp. Một giáo viên không giấu được bức xúc: “Lẽ ra nhà xuất bản phải cho ra những cuốn sách hướng dẫn làm văn bằng cách kích thích sự sáng tạo, tăng vốn từ cho trẻ thì lại xuất bản sách văn mẫu từ lớp 2 tới lớp 5. Tôi rất lo nếu phụ huynh không khôn khéo sẽ khiến trẻ mất tính độc lập suy nghĩ khi quá dựa dẫm vào sách văn mẫu”.

Theo cô Dung, khi sách văn mẫu tràn ngập trên thị trường, HS bị nhầm lẫn giữa văn mình và văn người dẫn đến việc ngôn từ, ý tứ bị nhầm lẫn, rối loạn. Mỗi lần sửa những bài văn như thế này, cô Dung cho biết phải tốn khá nhiều thời gian để nhận xét giúp các em điều chỉnh. Cô Võ Thanh Nga, giáo viên Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM), cho biết: “Trên thực tế, nếu HS nào thường đọc văn mẫu, khi vào lớp sẽ không tập trung vào bài giảng của cô. Từ đó, vốn từ của HS bị hạn chế, không biết làm văn bằng ngôn từ của bản thân. Đồng thời, chính giáo viên khi dạy cũng mất hứng thú”.

Ra đề sáng tạo cũng khó

Nguyên Phó phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Qua quá trình kiểm tra chuyên môn một số trường, chúng tôi từng phát hiện có giáo viên cho HS làm 38 bài văn để đối phó với các kỳ kiểm tra. Chúng tôi vô cùng khó chịu khi có cô "nhét" nguyên cho các em một bài văn mẫu sau đó thay đổi chi tiết. Chẳng hạn như tả cô giáo thì thay chi tiết về tuổi, tên… Việc làm này y như thay linh kiện cho chiếc máy, thay hoa văn cho chiếc áo… Còn mở bài và kết luận thì na ná nhau".

Từ 2 năm nay Sở GD-ĐT thay đổi hình thức ra đề môn văn thì năm nào cũng gặp phản ứng từ phụ huynh, phần lớn xuất phát từ những trường hay ra đề tủ hoặc giáo viên tổ chức dạy thêm.

Có năm đề thi môn văn tiếng Việt lớp 5 yêu cầu tả một người trong trường em ngoài thầy/cô hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm còn ai là người chăm sóc em và em yêu thương nhất (cô bảo mẫu, bác bảo vệ…). Nhiều HS vẫn tả cô hiệu trưởng còn phụ huynh và giáo viên thì nói rằng HS chưa hiểu được ý nghĩa của từ "ngoài" trong đề. Năm học vừa rồi, trong sách giáo khoa có bài tập yêu cầu HS tả trường giờ ra chơi nên khi đề thi lớp 5, Sở GD-ĐT yêu cầu HS tả cảnh trường em sau buổi học, HS vẫn tả giờ ra chơi trong khi đáp án đúng phải là cảnh ra về hoặc giờ ăn trưa (đối với HS bán trú). Lúc bấy giờ phụ huynh và giáo viên cũng phản ứng cho rằng đề ra như thế quá mơ hồ!

 

Hữu Tâm - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.