Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự dịch chuyển hệ giá trị giáo dục trong bối cảnh công nghệ số khiến giáo dục đã và đang thay đổi là quan niệm "mùng 3 tết thầy".
Mùng 3 tết thầy là truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc ta. Tuy nhiên trong "dòng đời ngược xuôi" cách thể hiện tình nghĩa tình thầy trò trong những ngày tết không còn như xưa.
Giáo dục gắn chặt với quá trình vận động của xã hội, tương tác đa chiều với các lĩnh vực khác. Vì thế khi nhớ về nhà trường xưa, nghĩ về nhà trường nay, chúng ta cần phải nhìn các quan điểm về giáo dục trong sự vận động để chấp nhận những sự thay đổi.
Tương tác giữa thầy trò không giới hạn thời gian, không gian, bài học
Tôi nghỉ hưu mấy năm nhưng còn dạy thêm mấy nhóm học sinh, tôi dành nhiều thời gian hơn (so với trước đây) cho các em. Có thêm Zalo, Facebook, nên việc trao đổi bài học giữa thầy trò thường xuyên, nhanh chóng, hiệu quả hơn. Có lúc, hơn 23 giờ, mà có học trò nhắn: "Thầy ơi, câu này con không hiểu, bài này làm sao thầy?". Tôi nhanh chóng hướng dẫn và thật vui khi nhận lại tin nhắn: "Con hiểu rồi, cám ơn thầyy" (nguyên văn). Tôi gần gũi học sinh, lắng nghe các em, dõi theo việc chép bài, giải bài tập, uốn nắn cách ghi, trình bày…
Thầy trò không chỉ gắn bó qua bài giảng vật lý mà còn thấu hiểu ước mơ, những buồn vui. Tôi càng thấm thía sự yêu thương là động lực, mục tiêu, là cơ sở của phương pháp để giáo viên thiết kế bài giảng hay, giáo dục sâu sắc; để học sinh tử tế, năng động, chăm ngoan, tiến bộ.
Kiểm tra, thi là một khâu của quá trình dạy học, giáo dục, có thể gây áp lực cho thầy cô, cán bộ quản lý, học sinh. Có áp lực tích cực, có áp lực phi tích cực. Vì thế, hiệu trưởng, giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra gắn với yêu cầu đổi mới, giúp học sinh tự tin, trung thực để đạt kết quả cao nhất bằng nỗ lực của bản thân qua mỗi kỳ kiểm tra. Một trong những chất liệu của nhà giáo là kiểm tra, đánh giá học sinh. Sự chuẩn bị từ nhà trường sư phạm chưa đủ nên giáo viên cần tìm tòi, học hỏi, bổ túc lý thuyết và thực tiễn, để mỗi bài kiểm tra đối với học sinh là thử thách mà học sinh phải chuyên cần, chăm chỉ, sáng tạo mới vượt qua chính mình.
Giáo viên cần trung thực, khách quan, công bằng, nắm chắc tình hình học sinh khi ra đề, chấm, nhận xét bài làm (dự án, sản phẩm) học sinh. Phẩm cách này của thầy cô in dấu trong tâm trí học trò, là năng lượng tích cực, giúp các em vui hơn, học tốt hơn, kính quý thầy cô hơn.
Dạy học là tạo chất "số", chất "người"
Trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi thế giới mạnh mẽ, tạo ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho giáo dục nói riêng. Đặc biệt, sự thay đổi này còn tạo ra hiệu ứng cho thiết kế, diễn đạt, vận dụng tri thức. Thế nên, dạy học trò bây giờ là hướng dẫn các em tìm giải pháp, đến với ý tưởng mới.
Chúng ta đang nói nhiều đến việc chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực. Việc này vốn khó, nay, càng khó hơn trong bối cảnh phát triển của trí tuệ nhân tạo. Chuẩn bị cho giới trẻ ngay từ bây giờ, khi đang ngồi trên ghế nhà trường những phẩm cách và năng lực để dù robot có tinh vi đến đâu thì học sinh hôm nay là công dân hạng một ngày mai. Dạy người trong bối cảnh đổi mới bây giờ, song song hai quá trình, chất "số" và chất "người" để các em sống hài hòa với bản thân, gia đình, cộng đồng, môi trường.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cùng với việc đào tạo giáo viên cần thống nhất chặt chẽ, có tầm nhìn thông tuệ để giáo viên tròn vai hướng đạo còn học sinh có thể chất, bản lĩnh, công cụ số đồng hành để vững bước đến tương lai.
Tiết học hạnh phúc đầu năm
Thầy trò ít hôm nữa là quay trở lại trường dạy và học sau kỳ nghỉ tết. Để dư âm tết không kéo giãn, làm chậm hoạt động giảng dạy, học tập, cần phụ huynh phối hợp. Đặc biệt, mỗi trường học chuẩn bị tốt nhất, tạo không khí tươi vui, tích cực ngay từ tiết học đầu tiên. Học sinh thấy đến trường sau tết cũng vui… như tết thì sẽ háo hức trở lại trường.Thầy cô đón học sinh vào trường, vào lớp, ân cần thăm hỏi, tặng hoa, lì xì, kể chuyện tết... Như vậy học sinh sao không mong được đến trường sau tết!
Nghiêm túc nhưng không căng thẳng, kỷ cương nhưng linh hoạt, đúng tiến trình dạy học nhưng không cứng nhắc, lấy sự quan tâm, động viên làm chủ đạo. Dõi theo học sinh, kịp thời ngăn chặn hiệu quả, không để các em vướng vào tệ nạn xã hội. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên nhà trường gương mẫu thực hiện quy định của trường, của ngành giáo dục. Nêu gương, là cách làm hay để trò cùng thầy có tiết học hạnh phúc đầu năm.
Xây dựng học đường kỷ cương, an toàn, trung thực, năng động, đổi mới, chất lượng phải là phương châm.
Như quy luật muôn đời, giáo dục tạo nguồn lực quan trọng xây đất nước giàu mạnh, văn minh, bác ái.
Bình luận (0)