Đẩy lùi cái ác, cái xấu

10/09/2017 09:09 GMT+7

Hành vi bạo lực, thói hung hăng không chỉ xảy ra trong bộ phận thanh thiếu niên mà còn xảy ra giữa người lớn với nhau trong nhiều vụ việc mà tính chất mâu thuẫn đơn giản.

Đẩy lùi cái ác, cái xấu
Ông Nguyễn Thành Tài - Ảnh: D.Đ.Minh
       
Nhận xét về hành vi bạo lực, thói hung hăng gia tăng ngày càng nhiều, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, lo ngại tình trạng trên không chỉ xảy ra trong bộ phận thanh thiếu niên mà còn xảy ra giữa người lớn với nhau trong nhiều vụ việc mà tính chất mâu thuẫn đơn giản, là một thực trạng thật sự báo động và cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi ngay.
Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ công tác giáo dục và ý thức chấp hành pháp luật. Chúng ta đã quan tâm đầu tư vấn đề giáo dục nhưng dường như sự quan tâm đó chưa đủ, cần phải làm tốt hơn. Giáo dục làm sao cho những giá trị nhân văn, chuẩn mực đạo đức thấm sâu vào nhận thức mọi người, không vô cảm trước các hiện tượng xã hội”. Theo ông, luật pháp, giá trị nhân văn phải trở thành sức mạnh, chứ sức mạnh hoàn toàn không nằm ở hành vi bạo lực. “Chúng ta phải làm sao cho mọi người hiểu được nguyên tắc đó để cái ác, cái xấu không có đất dung thân trong một xã hội ngày càng văn minh”, ông Tài nhấn mạnh.

tin liên quan

Để thói hung hăng không có đất dung thân
Gần đây, nhiều vụ việc hành xử theo kiểu bạo lực, côn đồ xảy ra liên tục: Cá nhân xử lý lẫn nhau bằng bạo lực; người vi phạm đánh CSGT; người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế...
Cũng về góc độ pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu, Phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP.HCM, nhận xét: “Việc phổ biến, thực thi quy định pháp luật trên thực tế còn có những bất cập, khiếm khuyết. Trong bộ máy quản lý có không ít trường hợp chấp hành kỷ cương không nghiêm, thậm chí có lúc bao che hành vi tiêu cực gây ra bức xúc”. Vì thế, phải nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Song song đó phải chế tài, xử lý nghiêm hành vi bạo lực, côn đồ để tránh phát sinh hệ lụy tiêu cực trong đời sống xã hội.
Giảng viên Ngô Anh Đào, thạc sĩ văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng hành vi bạo lực của xã hội ngày càng gia tăng xuất phát từ nền tảng giáo dục. Việc giáo dục những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp truyền thống đã không được chú ý đúng mức và có xu hướng mai một. Thêm vào đó, thời đại công nghệ thông tin phát triển, bên cạnh mặt tích cực thì cũng có nhiều tiêu cực. Thí dụ những vụ đánh nhau, chửi nhau phát tán trên internet với số lượng quá nhiều và cập nhật liên tục như vậy khiến người tiếp nhận, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ, xem riết rồi cảm thấy bình thường.
Về giải pháp, theo thạc sĩ Ngô Anh Đào, đã đến lúc phải có chiến lược để đẩy mạnh, đề cao những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Không chỉ là nói suông, hình thức nữa mà cần có biện pháp rất cụ thể đi vào thực tiễn. Thứ nhất là có cơ chế nào đó cố gắng kiểm soát, hạn chế bớt mặt tiêu cực của việc bùng nổ công nghệ theo kiểu như hiện nay. Thứ hai là thông qua nghệ thuật - hình thức để người ta tiếp nhận nhanh nhất và có tính giáo dục cao bằng những bộ phim truyền hình, hoạt hình cho đông đảo người xem.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.