Toàn cảnh hội thảo qua các đầu cầu |
Rút ngắn thời gian, giảm chi phí
Việc áp dụng công nghệ BIM (Building Information Modeling) trong ngành xây dựng được đánh giá sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình. BIM là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong công trình xây dựng, từ giai đoạn thiết kế, thi công, quản lý công trình và xuyên suốt vòng đời của công trình.
Những lợi ích mà BIM mang lại cho vận hành, bảo trì công trình như: giúp nâng cao năng suất lao động nhờ vào việc rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong quá trình vận hành cho công trình. Trên thực tế, quá trình vận hành công trình chiếm tới 80% tổng chi phí vòng đời của công trình, nếu có thể tiết kiệm được chi phí vận hành sẽ tiết kiệm được chi phí vòng đời cho công trình và còn mang lại nhiều lợi ích khác như phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
3D Laser Scan to BIM là một giải pháp giúp các đơn vị nhanh chóng khảo sát khu vực, công trình và mô phỏng hiện trạng; giám sát thi công, theo dõi tiến độ, đánh giá kiểm tra chất lượng thông qua mô hình đám mây điểm, cung cấp thông tin chính xác cho các phần việc lắp đặt; nghiệm thu sau khi thi công; mô phỏng chính xác các dự án đã hoàn thành tạo cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình thông tin BIM phục vụ công tác quản lý vận hành sửa chữa.
Trong năm 2021, EVNGENCO1 đã tiến hành thí điểm áp dụng BIM cho các dự án đầu tư xây dựng mới cụ thể là dự án Cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp nước thô cho TTĐL Duyên Hải và dự án nâng cấp và cải tạo hệ thống xử lý nước các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 MR. Việc áp dụng BIM ban đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã đạt được những kết quả và hiệu quả nhất định.
Tiếp tục hoàn thiện quy trình
Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó tổng giám đốc EVNGENCO1 khẳng định việc tổ chức hội thảo lần này là hết sức cần thiết, ý nghĩa trong lộ trình chuyển đổi số của hai doanh nghiệp, thực hiện chủ đề năm cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đã được EVN giao.
Ông Nguyễn Trọng Nam, Phó tổng giám đốc PECC2 cho rằng kết quả của cuộc hội thảo lần này sẽ có thêm cơ sở để đánh giá khách quan toàn diện hơn về các ưu điểm, hạn chế của việc áp dụng BIM và SCAN TO BIM. Qua đó, đúc rút những kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định và áp dụng ngày càng hiệu quả hơn trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành và bảo dưỡng công trình năng lượng.
Ông Đào Minh Hiển - Phó giám đốc DCC, PECC2 chia sẻ kinh nghiệm áp dụng BIM và SCAN TO BIM tại hội thảo |
Ông Dương Văn Ba, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng EVNGENCO1 chia sẻ rằng hội thảo giúp các đơn vị nắm bắt được chi tiết hơn những nội dung mới trong các giai đoạn triển khai áp dụng BIM và SCAN TO BIM trong công tác quản lý khối lượng, chất lượng, chi phí, tiến độ thi công trong công tác đầu tư xây dựng. “Trên cơ sở đó, tôi mong muốn các thành viên tham gia hội thảo sẽ vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả vào thực tế công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý vận hành và bảo dưỡng các dự án/công trình của EVNGENCO1, đồng thời, tiếp thu và chuẩn bị triển khai một số nhiệm vụ để áp dụng BIM và SCAN TO BIM trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý khí thải Nhiệt điện Uông Bí, trong quá trình vận hành, bảo dưỡng Nhiệt điện Duyên Hải 1", ông Ba nói.
Bình luận (0)