Đẩy mạnh mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển

24/06/2011 23:38 GMT+7

Trước những khó khăn của ngư dân hiện nay, nhiều tỉnh thành ven biển đã hình thành tổ, đội liên kết sản xuất trên biển. Cần có chính sách hỗ trợ các tổ sản xuất này hiệu quả hơn. Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì vừa diễn ra tại Bình Thuận hôm qua.

Tàu mẹ tàu con

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản, do Phó tổng cục trưởng Chu Tiến Vĩnh trình bày tại hội nghị cho biết, cả nước hiện nay có gần 2.000 tổ, đội sản xuất liên kết đánh bắt trên biển. Nhiều nhất là các tỉnh thành như Bình Thuận, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Bình…Cơ chế hoạt động của các tổ đội liên kết sản xuất trên biển là tự nguyện. Hình thức hợp tác sản xuất là cùng nghề, cùng nơi cư trú và cùng góp vốn vào mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ. Theo Tổng cục Thủy sản thì hình thức tổ liên kết sản xuất trên biển hiện nay phát huy được sức mạnh của tập thể trong khai thác.

 
Ngư dân Phú Yên chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Thiên Lăng thì cho biết, mô hình “tàu mẹ tàu con” trong khai thác và đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa đang rất hiệu quả. Các tàu Hải u 1, Hải u 2 và các tàu đánh cá ngừ đại dương của ngư dân tạo thành các ngư đội đánh bắt dài ngày trên vùng biển Trường Sa và Song Tử Tây. Các tàu “mẹ” sẽ thu mua cá ngừ ngay trên biển cho ngư dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện nay có đến gần 400 tàu hậu cần thu mua trên biển và trên 200 tổ liên kết sản xuất. Các tàu hậu cần còn cung cấp dầu, các nhu yếu phẩm khác cho ngư dân giúp họ có thể bám biển mà không cần phải quay vào bờ nạp dầu và bán cá. Mô hình này hiện cùng với mô hình tổ đoàn kết liên kết sản xuất của Bình Thuận đang được Bộ NN-PTNT đánh giá cao.

Liên kết là sự sống còn

Theo thượng tá Bùi Văn Dụ, Phó phòng kinh tế (Quân chủng Hải quân), trong thời gian qua Bộ đội hải quân đã có sự kết hợp với các lực lượng khác như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển... hỗ trợ ngư dân trong đánh bắt. Đặc biệt là ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Kể từ sau khi sự kiện tàu Bình Minh 2 bị tàu Trung Quốc cắt cáp thì việc hỗ trợ ngư dân của lực lượng hải quân không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ bảo vệ an ninh chủ quyền đất nước. Đại diện bộ đội hải quân kiến nghị các tỉnh, thành ven biển nhanh chóng xây dựng các tổ đội sản xuất trên biển. Khi có sự cố xảy ra thì sức mạnh đấu tranh của số đông ngư dân sẽ có tác dụng rất mạnh. Và không ai khác chính các tổ đội liên kết sản xuất trên biển sẽ là lực lượng quan trọng trong bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần thống nhất tên gọi tổ liên kết sản xuất trên biển là “Tổ đoàn kết sản xuất trên biển”. Bộ trưởng cho rằng mới chỉ có khoảng 13.000/135.000 con tàu tham gia các tổ đoàn kết sản xuất trên biển là rất nhỏ. Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành ven biển cần có chính sách khuyến khích phát triển các tổ đoàn kết sản xuất. Tiến đến xây dựng các tổ hợp và mô hình hợp tác xã đánh bắt kiểu mới. Để xây dựng mô hình này phát triển và làm ăn hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng cần có các quy chế phối hợp giữa các lực lượng với tổ sản xuất.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các địa phương, thông qua các tổ liên kết sản xuất trên biển để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và làm công tác kiểm ngư; tăng cường đội tàu hậu cần giúp ngư dân không phải vào bờ mà vẫn bán được cá, mua được dầu, thực phẩm để bám biển dài ngày. “Sự liên kết của ngư dân lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Họ hỗ trợ nhau lúc thiên tai, gặp nạn trên biển. Họ bảo vệ lẫn nhau và đặc biệt là họ đoàn kết để đấu tranh với sự xâm phạm của tàu cá nước ngoài”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Quế Hà - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.