Đẩy mạnh sử dụng AI, ChatGPT trong khám, chữa bệnh

Thu Hằng
Thu Hằng
12/05/2023 15:10 GMT+7

Trong thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện các app sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám, chữa bệnh, ChatGPT trong y tế tiếp cận sàng lọc lâm sàng. Việc ứng dụng chuyển đổi số không phải là thay thế y bác sĩ mà là giúp giảm khối lượng công việc của họ, tiết kiệm thời gian khám, chữa bệnh.

Thông tin trên được anh Nguyễn Hữu Tú, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết tại buổi gặp mặt báo chí ngày 12.5, thông tin về chương trình Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2023.

Xây dựng các app khám chữa bệnh bằng AI, chat GPT trong y tế - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chia sẻ thông tin tại buổi gặp mặt báo chí

THU HẰNG

100.000 người dân sẽ được khám bệnh miễn phí

Theo anh Nguyễn Duy Hưng, Chánh văn phòng T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thiết thực kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023), T.Ư Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2023.

Với chủ đề "Chuyển đổi số trong tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng", chương trình nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động tình nguyện an sinh xã hội; phát huy vai trò của thanh niên và thầy thuốc trẻ trong CĐS các hoạt động của Đoàn, Hội.

"Các hoạt động trong ngày hội năm nay tập trung vào khám, sàng lọc, tư vấn tình nguyện; bảo vệ môi trường, an sinh xã hội; hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; tăng cường định hướng lý tưởng, chính trị, kết nạp đảng viên mới; tặng trang thiết bị hỗ trợ CĐS y tế trong hoạt động khám bệnh tình nguyện…

Đặc biệt, hoạt động trọng tâm về CĐS sẽ được triển khai tại 63 tỉnh, thành như tập huấn cho cán bộ Hội về CĐS, triển khai cài đặt và tư vấn qua app đối với người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ xa", anh Hưng cho biết.

Dự kiến, ngày hội sẽ có 6.000 thầy thuốc trẻ tham gia tư vấn, khám bệnh trực tiếp và trực tuyến cho 100.000 người dân; tư vấn sử dụng app chăm sóc sức khỏe cho 50.000 người; 100% người dân được tiếp cận với thông tin phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và các triệu chứng hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, trong chương trình có 10.000 tình nguyện viên được tập huấn về dinh dưỡng và phòng, chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa; hội viên, thanh niên hiến 10.000 đơn vị máu...

Chương trình còn đặt ra chỉ tiêu, mỗi địa phương tổ chức được ít nhất 1 đội hình tiên phong CĐS y tế. Hội, câu lạc bộ doanh nhân trẻ, thầy thuốc trẻ tại địa phương có ít nhất 1 chương trình hỗ trợ thường xuyên cho con em ngư dân bám biển và cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng.

Ban tổ chức sẽ cùng Phòng khám đa khoa Hoàng Long và một số nhà hảo tâm tặng 10 bộ máy siêu âm thế hệ mới nhất ARIETT 650 Deepsight, có cài đặt AI, trị giá 1 triệu USD cho 10 bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Yên Bái, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Huế, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Hà Tĩnh; đào tạo nhân lực y tế cho 10 tỉnh, thành tại Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa - gan mật (ĐH Y Hà Nội).

Ngày hội tại cấp T.Ư sẽ diễn ra vào sáng 14.5 tại quảng trường 15.5, Q.Đồ Sơn (TP.Hải Phòng).

Tập trung hoàn thiện app sử dụng AI trong khám, chữa bệnh

Chia sẻ về CĐS trong y tế, anh Nguyễn Hữu Tú cho biết, tại Việt Nam, CĐS y tế bắt đầu được đẩy mạnh trong dịch Covid-19, nhất là trong hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ cho hệ thống y tế truyền thống. Sự hỗ trợ của công nghệ đã đem lại nhiều tiện ích, cơ bản giải quyết được các vấn đề y tế hiện tại đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, anh Tú cho rằng CĐS trong y tế còn gặp một số hạn chế. Theo đánh giá gần đây, ngành y là ngành CĐS còn chậm do định hướng đào tạo thiên về chuyên môn, lâm sàng, phụ thuộc vào yếu tố con người. Bên cạnh đó, các hành lang pháp lý chưa thực sự tạo điều kiện cho ứng dụng CĐS trong khám, chữa bệnh.

"Mục tiêu gần đến năm 2025, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ cố gắng đưa ứng dụng CĐS vào khối y tế, đặc biệt là khối y tế cơ sở để y bác sĩ, nhân viên y tế tiếp cận với chuyển giao công nghệ, ứng dụng CĐS nhiều nhất, tạo nền tảng hạt nhân xây dựng CĐS trong y tế", anh Tú nói.

Hiện, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đang triển khai chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó đào tạo hơn 20.000 y, bác sĩ trẻ tuyến cơ sở trong nâng cao năng lực lâm sàng, CĐS y tế; đồng thời hỗ trợ y bác sĩ mở phòng khám bằng ứng dụng nền tảng CĐS, kiểm soát phòng khám hiệu quả hơn so với phòng khám truyền thống...

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện các app sử dụng AI trong khám, chữa bệnh, ChatGPT trong y tế tiếp cận sàng lọc lâm sàng. Hoạt động CĐS không phải là thay thế y bác sĩ mà là giúp giảm khối lượng công việc của y bác sĩ, tiết kiệm thời gian khám, chữa bệnh, nhất là giúp các bác sĩ tuyến cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn", Phó chủ tịch thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.