Teacher Talks là loạt chương trình phát triển chuyên môn cho cộng đồng giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam được tổ chức khoảng 6 tháng/lần ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Chương trình mới nhất với chủ đề Học tập chủ động: Giáo viên là người hỗ trợ và khơi nguồn đã diễn ra vào ngày 21.9.2019 tại cơ sở Đà Nẵng, RMIT Việt Nam. Chủ đề Teacher Talks lần này chú trọng nâng cao tính chủ động tương tác trong học tập của học viên.
Trưởng khoa tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học RMIT Việt Nam Jake Heinrich chia sẻ bằng chứng cho thấy nhiều sinh viên học và tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn khi các em chủ động tương tác nhiều hơn và tham gia vào quá trình học.
“Khi được tạo cơ hội chủ động tương tác với thông tin đang học, sinh viên thể hiện tốt hơn. Điều này nuôi dưỡng trí não, mở rộng cơ hội kết nối thông tin cũ và mới, hiệu chỉnh thông tin sai lệch trước đó và cân nhắc lại những suy nghĩ hoặc ý kiến hiện có”, ông chia sẻ.
Qua phần trình bày của bốn giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm lâu năm từ RMIT Việt Nam, cán bộ giảng viên tiếng Anh tham dự chương trình được tiếp cận với nhiều hoạt động thực tiễn thích hợp với bối cảnh Việt Nam và có thể ứng dụng vào lớp học. Chủ đề thảo luận trong Teacher Talks lần này gồm học tập đảo ngược để đẩy mạnh chủ động học tập, ý tưởng thực tiễn nhằm truyền cảm hứng cho người học, dùng những câu hỏi dẫn dắt để khuyến khích chủ động học tập và chủ động tương tác trong ngữ pháp.
Giáo viên tiếng Anh đến từ Quảng Trị Nguyễn Thùy Trang đã hai lần tham dự Teacher Talks tại RMIT Đà Nẵng. Cô chia sẻ: “Hội thảo giúp tôi học hỏi thêm các phương pháp giảng dạy cải tiến, giúp tôi hoàn thiện chuyên môn của bản thân trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, tôi còn được gặp gỡ nhiều đồng nghiệp, cập nhật một số phương pháp nâng cao kỹ năng nghe - viết tiếng Anh ở học viên”.
Trong khi đó, cô Susan Churchill - giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ở Đà Nẵng nhận xét: “RMIT chia sẻ rất nhiều chủ đề, thông tin bổ ích có thể phục vụ cho công tác giảng dạy của tôi. Tôi ấn tượng về phương pháp xây dựng từ vựng nhằm tăng khả năng đọc hiểu ở học viên, đồng thời giúp các em tích cực tham gia các hoạt động viết lách trên lớp. Chúng tôi cùng nhau thảo luận việc dạy kỹ năng nghe và gợi ý cho học sinh suy nghĩ, dự đoán về nội dung trước khi nghe”.
Ra mắt năm 2018 sau thành công của chương trình TESOL Talks, Teacher Talks đem cơ hội phát triển chuyên môn cũng như bản thân cho những người làm công tác giảng dạy tại các trường trung học, cơ sở giáo dục và trường đại học trong nước. Trưởng khoa tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học cho biết các buổi học thuộc chương trình cung cấp những phương pháp giảng dạy đổi mới sáng tạo chất lượng cao để người tham dự có thể ứng dụng vào lớp học của họ.
Khoa tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học có lịch sử đóng góp lâu dài và có chiều sâu vào công cuộc phát triển giáo viên ở Việt Nam cũng như trong khu vực qua việc kết nối và chia sẻ các phương pháp giảng dạy cải tiến. Chỉ riêng năm nay, giảng viên trường đã góp mặt trong hơn năm hội thảo ở Việt Nam, và tham dự hơn mười hội thảo quốc tế ở châu Á và Úc.
Trước đó, hai ông Jonathan Western (Giảng viên và Điều phối viên chương trình tiếng Anh cho Teen) và Philip Morris (Giảng viên tiếng Anh tại RMIT, cơ sở Đà Nẵng) cũng đã đại diện Khoa tham gia hội thảo quốc tế GloCALL tại Đà Nẵng và trình bày về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Ông Philip Morris đã chia sẻ với khách tham dự hội thảo về phương pháp giúp học sinh Việt Nam cải thiện khó khăn trong việc học phát âm mà đội ngũ giảng viên tại cơ sở Đà Nẵng đã nghiên cứu và xây dựng nên.
Ông cho biết qua ứng dụng thu âm giọng nói trên điện thoại thông minh, giảng viên có thể điều chỉnh và hướng dẫn cách phát âm cho học viên. “Với ứng dụng thu âm trên điện thoại, học viên có thể thoải mái tự tin luyện tập trong thời gian rảnh và khi ở một mình”.
Trong khi đó, ông Western nhận định rằng qua việc chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy với cộng đồng giáo viên trên khắp thế giới, những người làm công tác giảng dạy tiếng Anh có thể đưa ra nhận xét, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Bình luận (0)