Đậy nắp nồi để... bảo vệ môi trường

23/12/2005 22:14 GMT+7

Thay đổi khí hậu toàn cầu, tất cả mọi người đang từng ngày phải gánh chịu hậu quả của nó và mỗi cá nhân đều có thể góp sức để khắc phục.

Khi thiên nhiên nổi giận...

"Khí hậu ư ? Chỉ có nó ảnh hưởng lên con người, làm khổ con người chứ làm sao con người tác động lên nó được?", một phụ nữ 55 tuổi ở Hà Nội khẳng định giữa những ngày rét đậm vừa qua ở Hà Nội. Bằng chứng hùng hồn cho việc "khí hậu làm khổ con người" mà bà nói là đứa cháu ngoại của bà bị viêm phổi phải nhập viện làm xáo trộn cuộc sống của cả gia đình bà. Hẳn nhiều người cũng có cùng suy nghĩ như bà. Nhưng không, các bằng chứng khoa học đã cho thấy việc chúng ta chặt phá rừng bừa bãi, sử dụng quá nhiều các loại nhiên liệu hóa thạch (như xăng dầu, than), lạm dụng hóa chất... đang khiến cho thiên nhiên nổi giận. Khí hậu cũng càng ngày càng khắc nghiệt hơn với những đợt khí nóng kỷ lục ở nơi này đi kèm với những đợt giá buốt kỷ lục ở nơi khác, hạn hán và lũ lụt thay nhau hoành hành...

 ... trong khi lũ lụt cũng lan tràn

Một ví dụ dễ thấy cho sự thay đổi khí hậu toàn cầu là những tảng băng đang tan ra trên khắp thế giới - hậu quả của việc chúng ta thải quá nhiều CO2 vào không khí gây ra nóng ấm toàn cầu. Nawa Jigtar sống ở ngôi làng Ghat tại Nepal. Vào một ngày hồi năm 1985, ông bỗng nghe những tiếng động rất kinh khủng. Ông chỉ kịp chạy ra khỏi nhà và nhìn thấy một cột nước khổng lồ cuốn trôi cả ngôi nhà và đàn gia súc của ông. Ghat đã bị tàn phá hoàn toàn do một dòng sông ở phía trên cao của sườn Hy Mã Lạp Sơn vỡ bờ, trút hết cơn giận dữ lên những người dân sống ở phía dưới. Những thảm họa như thế này đang ngày càng xảy ra nhiều do các dòng sông băng trên Hy Mã Lạp Sơn đang tan ra rất nhanh, gây hậu quả tồi tệ lên hàng loạt quốc gia như Nepal, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều tồi tệ. Sau chuyện các tảng băng tan nhanh là đến viễn cảnh các dòng nước từ băng tan khô đi nhanh chóng. Kết quả là các dòng sông như Hoàng Hà (Trung Quốc) và Mê Kông chảy ngang qua Việt Nam sẽ khô cạn dần trong tương lai theo như dự đoán của các nhà khoa học. Nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu theo đó cũng khan hiếm dần. Hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng.

... Và việc làm của chúng ta

Chống lại sự thay đổi khí hậu không phải là chuyện to tát đến độ chỉ có Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo quốc gia hay các ông khổng lồ trong ngành công nghiệp mới làm được. Như chúng ta đã biết, loại khí thải quan trọng nhất gây hiệu ứng nhà kính là CO2, chủ yếu là do thỏa mãn nhu cầu về năng lượng của con người. Như vậy, một trong những mấu chốt trong việc giảm thiểu sự thay đổi khí hậu là hạn chế tiêu thụ năng lượng.

CRED - Dự án giảm carbon trong cộng đồng (một tổ chức bảo vệ môi trường ở Anh) đã nêu ra những hành động hết sức đơn giản mà mỗi người chúng ta đều có thể làm được. Tiết kiệm năng lượng cũng đồng nghĩa với việc bạn vừa tiết kiệm tiền, vừa giúp giảm thiểu sự thay đổi khí hậu một cách hiệu quả. "Hãy tắt hẳn ti vi khi bạn không xem nữa thay vì để chế độ chờ" là thông điệp của CRED vì chế độ chờ sẽ làm tiêu hao không ít điện năng. Ngoài ra, đậy nắp nồi khi nấu ăn sẽ giúp bạn tiết kiệm được nguồn năng lượng cần dùng, có khi lên đến 90%. Trong khi đó, nhiều loại bóng đèn tiết kiệm có thể giúp chúng ta giảm lượng điện tiêu thụ đến 60% trong khi việc dùng xe đạp khi phải đi những đoạn đường không quá dài có thể làm nên sự khác biệt rất lớn. Bạn đã bao giờ ưu tiên mua những loại hàng hóa sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch? Đó cũng là một cách bạn có thể làm để bảo vệ môi trường, cũng có nghĩa là bảo vệ cuộc sống của tất cả chúng ta. (Guardian, CRED)

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.