Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

23/10/2015 10:57 GMT+7

Những năm qua, hoạt động dạy nghề đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, nơi có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng.

Những năm qua, hoạt động dạy nghề đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, nơi có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng.

Vườn hoa cẩm chướng canh tác theo công nghệ cao của đồng bào dân tộc xã Lát (Lạc Dương) - Ảnh: Lâm ViênVườn hoa cẩm chướng canh tác theo công nghệ cao của đồng bào dân tộc xã Lát (Lạc Dương) - Ảnh: Lâm Viên
Lạc Dương là huyện có tới 74% dân số là đồng bào dân tộc, ngoài thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ chăm sóc rừng, đa số bà con dựa vào cây cà phê, nhưng do trình độ canh tác thấp nên sản lượng không cao. Vì vậy, việc đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT) luôn được huyện quan tâm, dành nhiều nguồn kinh phí cho công tác này. Từ năm 2010 đến nay đã có 4.329 LĐNT được hỗ trợ học nghề, riêng 9 tháng đầu năm 2015, huyện mở 13 lớp học cho 455 LĐNT.
Chánh Văn phòng UBND H.Lạc Dương Trần Xuân Quý, cho biết trên 80% lao động sau đào tạo đều có việc làm. Đặc biệt, người dân giờ đây hiểu rất rõ về vai trò của khoa học công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Toàn huyện hiện có gần 30 ha rau hoa của đồng bào dân tộc ở khu vực Lạc Dương, các xã Đạ Sar, Đa Nhim, Đạ Chais áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt...
Anh Đa Gout Noa (xã Lát, Lạc Dương), người ứng dụng hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao thổ lộ: “Để làm được rau hoa công nghệ cao trong nhà kính mình may mắn được tham gia nhiều lớp tập huấn do các ngành chức năng tổ chức”. Đến nay, mô hình sản xuất rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của gia đình anh Đa Gout Noa trở thành “mô hình điểm” để các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương đến học hỏi.
Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, trong 5 năm qua, tổng số tiền chi cho công tác đào tạo, dạy nghề cho LĐNT của tỉnh đạt trên 140 tỉ đồng (ngân sách địa phương 9,3 tỉ đồng). Cũng trong 5 năm qua, đã tổ chức được 1.050 lớp học cho 29.394 học viên tại 112/117 xã của tỉnh, với 83% lao động có việc làm đúng nghề.
Còn anh Cil Nôm (thôn Bon Đơng 1, xã Lát), cho biết trước đây anh chỉ trồng lúa mỗi năm một vụ, không đủ sống, may mắn được tham gia học lớp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó bỏ trồng lúa chuyển sang trồng dâu tây, cà rốt và hoa theo công nghệ cao, nhờ đó cả gia đình được “đổi đời”, con cái không bị thất học.
Tại xã Đưng K’Nơh (Lạc Dương), hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc, đang canh tác khoảng 600 ha cà phê và một số cây trồng khác; cũng nhờ được đào tạo nghề mà bà con đã có thêm kiến thức trong việc chăm sóc cà phê. Ông Cil Mup Ha Păng cho biết nhờ được học nghề mà 2 ha cà phê của gia đình ông ít bị bệnh và cho năng suất cao hơn trước nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho rằng: “Chỉ cần nhìn vào trình độ canh tác nông nghiệp, trước hết là trồng, chăm sóc cây cà phê của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện sẽ thấy hiệu quả của việc đào tạo nghề LĐNT”.
Theo ông Kỳ, trước đây bà con chỉ biết trồng cà phê theo hướng quảng canh, nay đã biết thâm canh, tỉa cành, bón phân... Có thời điểm bà con được nhà nước cấp phân bón nhưng họ không biết sử dụng thế nào cho hiệu quả, sau khi được hướng dẫn bà con đã chủ động mua phân bón trả chậm để bón cho cây cà phê.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Kỳ trăn trở: “Khó khăn nhất trong dạy nghề nông thôn hiện nay là Đề án quy định mỗi lao động có thể được học nhiều nghề, nhưng chỉ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho một nghề. Điều này đúng với các nghề phi nông nghiệp, trong khi số đông người dân địa phương, nhất là bà con dân tộc thì lại sống bằng nghề nông “đa cây, đa con”.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.