Chiều 8.12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2021 - 2026 bế mạc sau khi các đại biểu thông qua 30 dự thảo nghị quyết trên các lĩnh vực, làm cơ sở cho Thường trực HĐND, UBND thành phố và địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện. Đây được xem là kỳ họp đặc biệt của Cần Thơ, diễn ra trong thời điểm thành phố đang tập trung tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 20 năm TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1.1.2004 - 1.1.2024).
Tiến độ thể chế các cơ chế, chính sách của Quốc hội chậm so với yêu cầu
Phát biểu tiếp thu và giải trình các nội dung đại biểu, cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường làm rõ thêm một số vấn đề, trong đó có việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách theo Nghị quyết số 45 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ.
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Quốc hội, ngoài 2 cơ chế, chính sách về quản lý đất đai và quy hoạch đã được triển khai, cụ thể hóa theo các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các cơ chế, chính sách còn lại, thành phố vẫn đang trong giai đoạn thực hiện.
"Nhìn chung, tiến độ thể chế các cơ chế, chính sách của Quốc hội còn chậm so với yêu cầu, do nguồn lực của thành phố còn hạn hẹp như: các chính sách về tài chính, ngân sách; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, 2 dự án "Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ" và "Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ" hiện nay vẫn chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện", ông Trường nói.
Để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa Nghị quyết số 45 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đảm bảo các điều kiện sớm triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ một cách cụ thể.
Đặc biệt, trên cơ sở Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 2.12, UBND TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để tổ chức thực hiện. Trước hết là các thủ tục pháp lý, sớm lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện 2 dự án "Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ" và "Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ".
Năm 2024 phải tăng tốc để đạt mục tiêu
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ thẳng thắn nhìn nhận một số mặt hạn chế như 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 ước tính không đạt kế hoạch đề ra như chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP; chỉ tiêu năng suất lao động; chỉ tiêu tổng vốn đầu tư trên địa bàn...
Theo ông Trường, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm thành phố cần tập trung tăng tốc, bứt phá để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 7,5 - 8%, trong đó có 3 chỉ tiêu ước chưa đạt như nêu trên; UBND TP.Cần Thơ yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục ngay các mặt còn hạn chế, yếu kém, tồn tại, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khi các nghị quyết được thông qua. Trong đó tập trung xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch TP.Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch theo quy định; hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm là động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh, Trung tâm Điện lực Ô Môn…", Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói.
Riêng đối với nhóm các vấn đề đã được cử tri Cần Thơ phản ánh như: việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh; vấn đề liên quan các dự án, công trình xây dựng không đảm bảo đúng quy định, việc xử lý các khu dân cư tự phát và các vấn đề thuộc lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tháo gỡ khó khăn và xử lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách… Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng yêu cầu các giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện nghiêm túc thực hiện lời hứa, khẩn trương tổ chức, triển khai các nghị quyết của HĐND thành phố đã được thông qua tại kỳ họp.
Phát biểu bế mạc tại kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ đề nghị các sở, ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ…
"Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của thành phố trong tương lai, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư phát triển thành phố. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch thành phố, nhất là triển khai những dự án có tính dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ theo đúng mục tiêu đề ra", ông Hiểu nói.
Bình luận (0)