Dãy quán hoa đẹp nhất Việt Nam

28/01/2017 08:00 GMT+7

Được người Pháp xây dựng từ những năm 1940, 5 quán ngói ở trung tâm thành phố Hải Phòng có thể là dãy quán bán hoa đẹp nhất dải đất hình chữ S.

"Hơn cả quán hoa Hà Nội, Sài Gòn". Đó là khẳng định của ông Phạm Tuệ (74 tuổi, quê gốc ở Hà Nội), nay sống ở số 44 Nguyên Hồng, quận Lê Chân, Hải Phòng. Đam mê khảo cứu, sưu tầm, ông Tuệ có rất nhiều tư liệu bằng hình ảnh về kiến trúc cũ của các đô thị lớn, trong đó có thành phố Hải Phòng.
“Tôi sinh ra ở phố Hàng Bài, Hà Nội. 4 - 5 tuổi đã biết khu quán hoa Hà Nội bên hồ Gươm, góc đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng ngày nay. Đó là một dãy nhà gạch liền kề, mái vẩy bằng tôn. Quán hoa ở Sài Gòn trong ảnh tôi sưu tầm được thì trông như những ki ốt bên đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Chỉ có quán hoa Hải Phòng là đẹp”, ông Tuệ nói và cho biết quán hoa Hà Nội bị phá sau năm 1954, quán hoa Sài Gòn thì không còn thấy sau năm 1975.
Đáng chú ý, các quán hoa kể trên đều ở rất gần nhà hát lớn của 3 thành phố lớn nhất Việt Nam thời Pháp thuộc. “Tôi sưu tầm được nhiều bức ảnh chụp người Pháp ở trước quán hoa Hà Nội. Có lẽ quán hoa ra đời để phục vụ người Pháp, trong đó có việc họ mua hoa để tặng nghệ sĩ khi đến nhà hát”, ông Tuệ nói. Bà Trần Nam Anh (52 tuổi, chủ quán hoa số 5 ở Hải Phòng) dẫn lời mẹ chồng là cụ Tô Thị Bảng - sinh năm 1923, từng sống ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội và xuống bán hoa tươi ở khu chợ trước Nhà hát Lớn Hải Phòng từ năm 13 tuổi: “Hồi đó mua hoa toàn là Tây đầm, nhất là khi đi xem hát, người Việt thì chỉ những gia đình giàu có”.
Chợ hoa Hải Phòng trước khi có quán hoa Ảnh: Tư liệu ông Phạm Tuệ
Trước khi có quán hoa, phía trước Nhà hát Lớn Hải Phòng đã có một chợ hoa họp ở bãi đất góc 2 đại lộ Chavassieux và Amiral Courbet (nay là góc phố Quang Trung - Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng). Trong một số bức ảnh mà ông Phạm Tuệ sưu tầm, còn thấy một bãi đất trống, trên đó có nhiều phụ nữ ngồi bán hoa, với chú thích tiếng Pháp: “Hai Phong marché aux fleurs”, nghĩa là “Chợ hoa Hải Phòng” với tấm biển ghi tên phố Boulevard Chavassieux.
Theo cuốn sách Lược sử đường phố Hải Phòng xuất bản năm 1993, thông tin về dãy quán hoa này khá sơ sài: được xây dựng năm 1944, do đốc lý (như chủ tịch tỉnh) Luciani ra chủ trương, chánh lục lộ (như giám đốc sở giao thông) Gauthier tổ chức thực hiện. Từ nhiều mẫu thiết kế khác nhau, người Pháp đã chọn mẫu quán phỏng theo kiến trúc đình làng Bắc bộ, với 4 cột gỗ lim, bên trên là 4 mái ngói vẩy cá uốn cong ở 4 góc. Quán không có tường, rộng khoảng 20 m2, lát gạch Bát Tràng, mỗi quán cách nhau 6 m.
Theo cụ bà Tô Thị Bảng, quán hoa được xây ngay đối diện chợ hoa cũ, là đoạn nối dài của phố Hoàng Văn Thụ ngày nay và hướng ra quảng trường Nhà hát Lớn Hải Phòng. Đặc biệt, cụ Bảng cho biết, gỗ làm quán được tặng bởi ông Đốc Mít (Brousmiche, chủ một hiệu thuốc lớn trên đại lộ Paul Bert, nay là Công ty dược Hải Phòng, trên đường Điện Biên Phủ), còn sơn do nhà tư bản dân tộc Nguyễn Sơn Hà hiến tặng. Trước dãy quán và bên kia đường, có hai giàn bê tông lượn cong để trồng hoa ti gôn (antigone).
Quán làm xong, cụ Bảng và một số người khác được mời vào để bán hoa, đóng phí cho chính quyền. Cụ theo nghề đến tuổi 70, sau đó truyền cho con dâu là Trần Nam Anh, trước khi qua đời ở tuổi 92 năm 2014. Đồng nghiệp của cụ Bảng, bà Dương Thị Lạt (77 tuổi, người làng hoa Hạ Lũng, nay là phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng) kể rằng 30 - 40 năm trước, nhiều người Hải Phòng gọi đây là “lọng hoa” bởi quán trông như cái lọng, ở dưới bán hoa lay ơn, huệ, thược dược, hồng, cúc trồng ở Hạ Lũng chứ không phải là lan, lily, tulip... từ Đà Lạt, Thái Lan như bây giờ.
Năm 2012, cơn bão Sơn Tinh quật đổ một cây xà cừ và làm sạt hai mái quán. Quá trình sửa chữa làm các mái ngói mới hơn và có vẻ bớt cong, nhưng dãy quán vẫn là điểm nhấn ở trung tâm Hải Phòng, thu hút nhiều khách ngoại quốc tham quan. Nhưng người ta phải dùng nhiều ô dù để che mưa nắng cho hoa, che luôn cả các mái ngói vẩy cá, điểm khác biệt và dễ nhận biết nhất của quán hoa Hải Phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.