Dạy trẻ chống xâm hại bằng thơ

28/06/2019 13:26 GMT+7

Có một cách đơn giản để trẻ em hiểu biết về quyền của mình từ đó trẻ sẽ ý thức hơn việc bảo vệ và phòng chống xâm hại. Đó là thông qua những câu thơ đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.

 Mới đây, trong đề tài Khoa học cấp Bộ năm 2018: “Giải pháp giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học vùng đồng bằng sông Cửu Long” do thạc sĩ Võ Thành Tâm, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu đã đề xuất biện pháp “Giáo dục phòng chống xâm hại tình dục trẻ em bằng thơ”.

Biện pháp trên đã được Hội đồng nghiệm thu cơ sở của trường đánh giá có tính mới, sáng tạo và khả thi trong việc giáo dục phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hiện nay.
Trong đó, chuyên đề “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em bằng thơ” của thạc sĩ Hồ Sỹ Anh nhấn mạnh đến yêu thương và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình là một cách để bảo vệ trẻ trước những hiểm nguy của cuộc sống .

Bổn phận của trẻ em với gia đình 

Luật trẻ em quy định 25 quyền trẻ em, 5 điều quy định bổn phận trẻ em, gồm bổn phận với gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội, quê hương đất nước và với bản thân. Trong đó Điều 37 về bổn phận trẻ em với gia đình có những điểm sau: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em. Từ nội dung quy định này, thay vì dạy trẻ lý thuyết khô cứng, tác giả Hồ Sỹ Anh đề xuất dạy bằng thơ để học sinh dễ nhớ, dễ cảm nhận.
 
Gia đình là nôi yêu thương
Kính trên, nhường dưới lẽ thường dân ta
Hiếu thảo cha mẹ, ông bà
Yêu thương, giúp đỡ mới là đạo con
Tâm tình, chia sẻ ước mong
Với cha, với mẹ, người trong gia đình
Học tập, rèn luyện giữ gìn
Gia phong, nề nếp, thắm tình nhà ta
Giúp đỡ mọi người trong nhà
Những việc phù hợp xứng là con ngoan
 

Trẻ em được sống với cha mẹ và được khai sinh 

Được sống với cha mẹ và được khai sinh là 2 quyền cơ bản của trẻ em, 2 điều này là hiển nhiên, tất cả trẻ em khi sinh ra đều được hưởng. Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà có một số trẻ không được sống với cha mẹ, thậm chí còn bị bỏ rơi. Nhiều em đến tuổi đi học mà chưa có khai sinh. Trong trường trẻ bị ảnh hưởng an sinh, có nghĩa là trẻ bị bạo hành, bỏ rơi, bỏ mặc không chăm sóc, giáo dục,…thì khi đó luật quy định tách trẻ khỏi quyền mẹ cha, được ở với ông bà, người thân hoặc người chăm sóc thay thế. Học sinh có thể học về 2 điều này thông qua thơ như sau:
Con thơ khi đã lọt lòng
Được sống cha mẹ trong vòng yêu thương
Gia đình, làng xóm, địa phương
Nhắn nhủ cha mẹ lên phường (xã) khai sinh
Khi bị ảnh hưởng an sinh
Thì mới tách trẻ khỏi quyền mẹ, cha
 

Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục

Luật trẻ em quy định cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em… Những điều này, học sinh sẽ được học thông qua bài thơ sau
Cha mẹ là nguồn yêu thương
Nuôi dạy con cái lẽ thường ngàn năm
Cha mẹ không chỉ có chăm
Giúp con phát triển khả năng của mình
Giúp con phát triển thể hình
Giúp con ứng xử thấu tình, nhân văn
Cùng con chia sẻ khó khăn
Vượt qua bao nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy
Dõi theo từng bước con đi
Thành công dù nhỏ, mẹ ghi trong lòng
Mong sao con sẽ thành công
Thành người tử tế, tấm lòng thẳng ngay
Nuôi con gian khó mỗi ngày
Nuôi con mới hiểu công dày mẹ cha
Khắc sâu lời dạy ông bà:
Con hơn cha mẹ là nhà phúc to.
Ngoài ra, trong việc phòng chống xâm hại nói chung và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, cha mẹ luôn khẳng định với tất cả mọi người trong gia đình hãy tin tưởng nhau và chia sẻ cùng nhau những điều khó khăn, bí mật, lo lắng như trong bài thơ sau
Chia sẻ bí mật trong nhà
Chúng ta là một gia đình
Cùng nhau giữ trọn niềm tin trong nhà
Bí mật, lo lắng nói ra
Để mọi người biết mới là an vui
 
Luật Hôn nhân và Gia đình qui định: Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Tuy nhiên, đối với mỗi người, gia đình không chỉ là có trách nhiệm dân sự giữa các thành viên với nhau, mà còn có một ý nghĩa về gia tộc, truyền thống, danh dự và thiêng liêng.
Gia đình chính là học đường đặc biệt, không có phòng, lớp học nhưng những bài học đầu tiên của mỗi người được học từ gia đình, từ lời ru của mẹ. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người, là nơi có những người thân yêu ruột thịt. Nơi đó là một mái nhà yên bình, có cha mẹ, ông bà, anh chị em; là nơi chốn ta quay về sau những thành công hay thất bại trên đường đời. Ngày nay, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau. Hạnh phúc hay không là do chính thành viên trong gia đình dày công vun đắp, và vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Việc dạy trẻ hiểu biết về quyền của mình và cách phòng chống xâm hại cũng chính là bảo vệ gia đình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.