Phòng, chống bạo lực học đường: Không nghiêm thì sẽ bị nhờn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/04/2019 08:38 GMT+7

Văn bản, quy định pháp lý để phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường đã khá đầy đủ nhưng diễn biến của tình trạng này ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Điều đó đòi hỏi sự 'vào cuộc' có trách nhiệm hơn từ những người có liên quan thay vì những quy định chỉ mãi nằm trên giấy.

Sáng 17.4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường với sự tham gia của tới khoảng 20.000 giáo viên, cán bộ quản lý trên toàn quốc.

Lơ mơ về quy định, dung túng trong xử lý

Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, cho biết từ năm 2010 tới nay có 25% vụ việc liên quan tới an ninh an toàn học đường phải xử lý hình sự, trong đó có những vụ mà ông cho rằng rất “phản cảm”, như thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh (HS)...
Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác HS, SV (Bộ GD-ĐT), cho rằng có tình trạng chỉ đạo ở các địa phương chưa được thường xuyên; các quyết định chính sách của cấp trên, của Bộ GD-ĐT chưa được cập nhật, quán triệt hiệu quả ở các địa phương.
“Công tác chỉ đạo cũng chưa theo kịp cuộc sống. Thời gian qua một số vụ việc khi báo chí đưa tin thì các cơ quan mới vào cuộc để tiến hành xử lý. Các hiện tượng cá biệt về vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như bạo lực học đường cũng xảy ra trong một số tình huống mà cách xử lý về nghiệp vụ sư phạm, kiểm soát cảm xúc cá nhân còn yếu ở một số giáo viên (GV)...”, ông Linh nói.
Ý kiến thảo luận của đại diện nhiều địa phương cũng thừa nhận dù có rất nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn… nhằm phòng ngừa bạo lực học đường nhưng chính cán bộ quản lý ở trường và GV lại rất... lơ mơ.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên (nơi vừa xảy ra vụ nữ sinh Trường THCS Phù Ủng bị một nhóm bạn cùng lớp lột áo, bạo hành dã man ngay tại lớp học), phát biểu tại hội nghị đã nhắc đến vụ việc này như một bài học đau lòng trong công tác phòng chống bạo lực học đường. Ông Phê thừa nhận, sau khi vụ việc này xảy ra, Sở GD-ĐT Hưng Yên tổ chức họp trực tuyến đến từng thầy cô để rút kinh nghiệm thì mới thấy, mặc dù Sở đã triển khai đến tận các cán bộ quản lý, nhưng một số nơi triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên GV chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa được hiệu quả như mong muốn.
Quảng Ninh cũng là địa phương xảy ra 2 vụ bạo lực học đường nghiêm trọng liên tiếp trong những ngày vừa qua. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay trong ngày 18.4 tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả các trường học trên địa bàn nhằm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường và giữ an toàn, an ninh trường học.
Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nêu thực trạng nhiều GV chưa biết chỉ thị, quy định của chính ngành GD-ĐT về những vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh trường học.
“Qua ý kiến phát biểu thì thấy các thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục cũng ít quan tâm tới các văn bản đã có khiến cho khi xảy ra vụ việc thì lúng túng trong khâu xử lý”, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không kiểm tra, giám sát thì việc triển khai kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy.
Ông Nhạ cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương và sở GD-ĐT phải sát sao kiểm tra, nếu lãnh đạo các trường còn dung túng, không thực hiện nghiêm thì các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở phải chịu trách nhiệm. “Nếu chúng ta không làm nghiêm ở từng bước thì các quy định sẽ bị nhờn”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Nhà giáo là nhà giáo dục chứ không phải “thợ dạy”

Giáo viên vi phạm đạo đức không cho đứng lớp
Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị 63 sở GD-ĐT phải thực hiện rất nghiêm túc các chủ trương của bộ, ngành. Nếu GV vi phạm đạo đức nhà giáo thì trước hết phải không cho tiếp tục đứng lớp chứ không phải đẩy sang lớp nọ lớp kia. Sau đó, tùy theo mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó theo quy định pháp luật.
Ông Nhạ nêu dẫn chứng, thời gian gần đây một số địa phương xử lý GV vi phạm đạo đức nhà giáo bằng cách đình chỉ có 3 hôm hoặc 1 tuần, sau đó lại chuyển sang dạy lớp khác. Như vậy, theo ông Nhạ là “không nghiêm túc, không tạo được tấm gương”.
Giải pháp nhằm phòng chống bạo lực học đường được nhiều đại biểu đề xuất tại hội nghị vẫn là những giải pháp cũ, trong đó yêu cầu về việc thành lập bộ phận tâm lý học đường.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị Bộ sớm có định biên cho vị trí tư vấn tâm lý trong trường học thay vì kiêm nhiệm như hiện nay. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, đề nghị sớm có bộ tài liệu chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, dành thời lượng thích hợp cho nội dung này trong giờ dạy chính khóa thay vì lồng ghép và coi đó là hoạt động ngoài giờ lên lớp như hiện nay...
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng không quá thiên về đánh giá đây là nguyên nhân về đạo đức và kỷ luật mà đây là tâm lý lứa tuổi HS, tâm lý giáo dục của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục.
Từ quan niệm đó, thầy Hòa chia sẻ kinh nghiệm của trường mình và cho rằng điều quan trọng là không yêu cầu GV phấn đấu thi đua để trở thành GV dạy giỏi mà GV phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý. “Một trường học có 60 nhà giáo thì phải có 60 nhà tâm lý chứ nếu cả trường chỉ trông chờ vào 1 - 2 người làm công tác tâm lý cũng không giải quyết được vấn đề”, thầy Hòa nêu quan điểm.
Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh quan điểm ngành GD-ĐT cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính chứ không phải chỉ nặng về xử lý chạy theo vụ việc. Các trường từ mầm non đến phổ thông phải cụ thể hóa các chương trình phòng chống bạo lực học đường bằng kế hoạch giáo dục của mỗi trường. Trong đó, phân công rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác trong nhà trường như GV chủ nhiệm, người làm công tác Đoàn - Hội và từng GV...
“Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe”, ông Nhạ nêu quan điểm.
T.Ư Đoàn lên kế hoạch nhiều hoạt động xây dựng môi trường học đường an toàn
Phát biểu tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, cho rằng ở đâu tổ chức Đoàn, Đội phát triển mạnh thì ở đó hiệu quả giáo dục sẽ được nâng lên. Do vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để cán bộ Đoàn và phong trào Đoàn, Hội được phát triển một cách tốt nhất trong các cơ sở giáo dục.
Anh Bùi Quang Huy cũng nêu kế hoạch phối hợp giữa T.Ư Đoàn với Bộ GD-ĐT trong thời gian tới nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Cụ thể, sẽ xây dựng một bộ tài liệu tuyên truyền, nhận diện để cung cấp cho các cơ sở giáo dục về phòng chống bạo lực học đường; tổ chức chiến dịch truyền thông lớn liên quan đến vấn đề này, trong đó mời một số nhân vật, nghệ sĩ nổi tiếng làm đại diện cho chiến dịch ở từng chủ đề khác nhau; tập huấn cho đội ngũ nòng cốt về kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đội ngũ này tập huấn lại cho cán bộ Đoàn, Đội ở các nhà trường... Bên cạnh đó, sẽ thành lập các câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em ở cấp T.Ư, thành lập các diễn đàn xây dựng văn hóa ứng xử, củng cố, nâng cao chất lượng các hộp thư “Điều em muốn nói” ở các nhà trường để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS....
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.