Bộ trưởng GD: Giáo viên vi phạm đạo đức đình chỉ 3 ngày là không nghiêm túc

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/04/2019 14:57 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng giải pháp cho nạn bạo lực học đường cần lấy phòng làm chính. Tuy nhiên, khi nhà giáo vi phạm đạo đức phải kiên quyết dừng đứng lớp chứ không phải đình chỉ 3 hôm rồi chuyển sang lớp khác dạy.

Quy định chống bạo lực học đường  không thể cứ nằm trên giấy

Sáng nay, 17.4, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị toàn quốc về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Riêng Bộ GD-ĐT cũng có nhiều thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này, mà mới đây nhất là Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội…
“Qua ý kiến phát biểu thì thấy các thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục cũng ít quan tâm tới các văn bản đã có khiến cho khi xảy ra các vụ việc thì lúng túng trong khâu xử lý”, ông Nhạ nhận định.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không kiểm tra, giám sát thì việc triển khai kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy.

Xử lý dung túng thì quy định sẽ bị nhờn

Ông Nhạ đề nghị 63 sở GD-ĐT tỉnh, thành phải thực hiện rất nghiêm túc các chủ trương của bộ, ngành, nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì trước hết là phải không cho tiếp tục đứng lớp chứ không phải đẩy sang lớp nọ lớp kia. Sau đó, tùy theo mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó theo quy định pháp luật.
"Tôi thấy một số địa phương khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo đình chỉ có 3 hôm hoặc 1 tuần sau đó lại dạy lớp khác. Như vậy không nghiêm túc, không tạo được tấm gương. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương và sở GD-ĐT phải sát sao kiểm tra.
Nếu lãnh đạo các trường còn dung túng, không thực hiện nghiêm thì các đồng chí lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở phải chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta không làm nghiêm ở từng bước thì các quy định sẽ bị nhờn", ông Nhạ nhấn mạnh.
Ông Nhạ cũng lưu ý quan điểm ngành GD-ĐT cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính chứ không phải chỉ nặng về xử lý. Kỹ năng ứng xử sư phạm, mô hình phòng chống thông qua các phương pháp, mô hình giáo dục. Các trường từ mầm non đến phổ thông phải cụ thể hóa các chương trình này bằng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường.
Trong đó, phân công rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác trong nhà trường như giáo viên chủ nhiệm, người làm công tác Đoàn, Hội và từng giáo viên…
Giáo viên và mỗi nhà trường phải là những người sát sao nhất, tìm hiểu, giải tỏa các mâu thuẫn, nắm bắt được từng hoàn cảnh tâm tư của học sinh cần sự quan tâm đặc biệt hơn, nhân rộng những cách làm tốt. “Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục chứ  không phải “thợ dạy”. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe”, ông Nhạ nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.