Hiệu trưởng phải là một nghề

25/12/2018 07:02 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi về chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn phải coi đây là một nghề và coi trọng vai trò dẫn dắt của họ thay vì chỉ yêu cầu chấp hành máy móc.

Điều này càng thể hiện rõ trong thực tế khi thời gian gần đây có nhiều sự kiện tiêu cực xảy ra ở các trường mà trong đó một phần do cách cư xử của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng thiếu sáng tạo, giáo dục sẽ lạc đường

Năm 2009, Bộ GD-ĐT từng ban hành quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, nhiều nội dung trong đó cũng được kỳ vọng khi áp dụng sẽ trao quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng rõ ràng hơn, qua đó những yêu cầu cao hơn với hiệu trưởng sẽ được thực thi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng chuẩn này vào thực tế không như mong muốn. Sau gần 10 năm, Bộ lại ban hành chuẩn mới cho đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông với nhiều kỳ vọng mới.
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nêu quan điểm: “Hiệu trưởng phải là người thấm nhuần, dẫn dắt được trường mình đi theo mục tiêu giáo dục và tôi coi đó là mục tiêu quan trọng nhất. Phải là người trước hết hiểu được mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì, dẫn dắt được trường đi theo mục tiêu đó, không bị lạc hướng theo chỉ tiêu thi đua, thành tích trong các cuộc thi, nặng về dạy kiến thức cho học sinh”. Theo ông Hòa, hiệu trưởng mà máy móc, thiếu tính sáng tạo là không ổn và giáo dục sẽ đi lạc đường. Nếu chuẩn đặt ra yêu cầu bắt buộc quá nhiều thì không vẽ ra được một chân dung hiệu trưởng có tâm, tầm.
Bà Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng (H.Hoài Đức, Hà Nội), cho rằng so với chuẩn cũ, quy định mới trong chuẩn hiệu trưởng đặt ra những yêu cầu cao hơn và rõ ràng hơn để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục. Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, khả năng quản trị nhân lực trong nhà trường, khả năng quản trị tài chính…
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Tiến (H.Mộc Châu, Sơn La), nhận định: “Để mỗi nhà giáo trong nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, chính hiệu trưởng chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Cùng với giáo viên, đội ngũ hiệu trưởng là lực lượng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục”.

Phải được huấn luyện, đào tạo

Chuẩn có tốt đến mấy nhưng điều quan trọng là cách lựa chọn hiệu trưởng

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa
 
Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội

Tuy nhiên, theo ông Hòa, vấn đề ở chỗ giáo dục của ta chưa đánh giá đúng và chưa coi trọng vai trò của hiệu trưởng, chưa được huấn luyện. “Chuẩn có tốt đến mấy nhưng điều quan trọng là cách lựa chọn hiệu trưởng. Hiện nay, hiệu trưởng vẫn chủ yếu được lựa chọn trong số giáo viên sẵn có. Với trường tư thì điều này khả dĩ hơn khi chủ trường có quyền lựa chọn hiệu trưởng theo đúng mong muốn của mình, không đáp ứng được thì thay thế. Hiệu trưởng phải được coi là một nghề”, ông Hòa nói.
Do vậy, ông Hòa đề nghị, Bộ GD-ĐT phải chủ trì đào tạo lại hiệu trưởng các nhà trường. Hiệu trưởng sẽ là người giúp giám đốc sở, bộ trưởng làm chuyển biến giáo viên của mình.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (Thanh Hóa), cũng cho rằng mỗi hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc đổi mới dạy và học. Vì thế, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý phải được đặt ra thường xuyên để đáp ứng yêu cầu mới. “Khác với các nhà quản lý ở những lĩnh vực khác, hiệu trưởng không chỉ là nhà quản lý bình thường mà còn phải là nhà sư phạm, nhà giáo dục nên sẽ tạo ra những tác động lớn tới nhân cách đội ngũ giáo viên và nhân cách học trò”, bà Hương nói.
Thời gian gần đây, khi làm việc với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các địa phương, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng GD-ĐT, cũng chỉ ra thực tế chúng ta ít khi có đào tạo riêng hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải là người hơn hẳn về phẩm chất, có khả năng quy tụ, có uy tín, hiểu về chuyên môn nghiệp vụ. Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng những chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hiệu trưởng, kỹ năng quản trị nhà trường. Bồi dưỡng ngay cả cán bộ quản lý giáo dục, cấp phòng, cấp sở để hiểu biết đường lối chủ trương, biết cách triển khai các chương trình, chính sách. Làm được như vậy thì cả hệ thống sẽ tốt. Nếu hiệu trưởng chưa thay đổi mà các giáo viên thay đổi thì sẽ rất rủi ro. Để giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng phải thay đổi, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đều phải thay đổi.
Sử dụng thành thạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin
Chuẩn hiệu trưởng mới của trường phổ thông có các tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp với các tiêu chí như thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, có ảnh hưởng tích cực tới cán bộ quản lý cơ sở, có tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho tất cả học sinh...
Hiệu trưởng phải có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân như đổi mới, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
Về tiêu chuẩn quản trị nhà trường có các tiêu chí như biết tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản trị nhân sự nhà trường bằng cách dùng người và bố trí nhân sự hiệu quả.
Tiêu chuẩn xây dựng môi trường giáo dục yêu cầu hiệu trưởng tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng chống bạo lực học đường.
Tiêu chuẩn cuối cùng là sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin được yêu cầu thành thạo những kỹ năng này…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.