Ngoài người cao tuổi là ông, bà, cha, mẹ..., trẻ em luôn là “đối tượng” được nhận tiền chúc mừng, lì xì trong những ngày tết.
Lì xì ngày tết cho trẻ là một phong tục không có gì phải phê phán hay loại bỏ, bởi hàm chứa trong những đồng tiền nhỏ mà người lớn tặng trẻ là những lời chúc trẻ hay ăn chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi…. dẫu biết những bao lì xì cũng ít nhiều mang thêm “gánh nặng”, nỗi lo toan cho người lớn mỗi dịp xuân về.
Tuy nhiên, mỗi người lớn cần phải dạy trẻ cách ứng xử sao cho phải phép, có văn hóa khi nhận những tiền lì xì để làm đẹp, làm vui lòng khách tới chúc tết.
Trên thực tế, tôi từng chứng kiến không ít tình cảnh người tặng tiền lì xì cho trẻ bị “ngượng” khi bị trẻ bóc bao lì xì ra ngay trước mặt.
Chẳng hạn, trong dịp tết năm ngoái, một bé gái 5 tuổi ở nhà hàng xóm được một người bạn của mẹ đến chúc tết, tặng một bao lì xì màu đỏ dán kín. Trong lúc mẹ đang rót nước mời khách thì bé nhanh tay bóc bao lì xì, lôi tờ tiền từ trong ra và hồn nhiên nói với mẹ: “Bác Thùy lì xì cho con ít quá, mỗi 10.000 đồng mẹ ạ!”.
Tết là dịp trẻ con nhận được rất nhiều tiền lì xì, cha mẹ cần dạy con cách nhận sao cho hợp lý |
NGUYỄN LOAN |
Nghe vậy, không chỉ mẹ bé quá ngại ngùng mà người khách vừa trao bao lì xì cho bé cũng cảm thấy quá ái ngại.
May thay, lúc đó người mẹ đã vội giải thích cho bé hiểu việc chê tiền ít-nhiều như vậy là xấu, là hư... nên bé mới không nói thêm gì nữa. Rồi khi khách ra về rồi, người mẹ cũng đã kịp “lên lớp” cho bé biết và cấm con không được làm như vậy trước mặt khách khi nhận tiền lì xì…
Hay như dịp tết cách đây vài năm, bé trai út năm nay 6 tuổi, con của anh trai tôi, đã khiến cha mẹ rơi vào tình huống xấu hổ với khách, khi khách vừa mới bước vào cửa nhà là vòi vĩnh, nói lặp đi lặp lại “lì xì cho cháu đi!” hay “lì xì cho con đi…”. Bị thằng nhỏ “đòi” như vậy nên hầu như chẳng có ai là từ chối.
Những khách đến chúc tết đã chuẩn bị sẵn tinh thần thì việc đưa lì xì trước hay sau không mấy quan trọng. Tuy nhiên, những người không chuẩn bị sẵn ý định lì xì, hay trong túi “hạn hẹp” về tiền bạc thì việc bị đứa bé “đòi” như vậy mà không lì xì thì sẽ gây ra tình huống rất khó xử.
Nhận tiền lì xì lịch sự, người tặng thấy vui người nhận thấy ý nghĩa |
nguyễn loan |
Ngoài các tình huống vòi vĩnh tiền lì xì khiến người lớn phải ngại ngùng, xấu hổ kể trên, thì còn tình trạng nhiều trẻ nhận bao lì xì nhưng không buông một lời nói “cảm ơn”, hay “cháu xin”, “con xin”....
Bên cạnh đó khi người lớn trao tiền lì xì cho trẻ, họ luôn chúc trẻ chăm ngoan, hay ăn chóng lớn, học giỏi... Tuy nhiên, chẳng mấy trẻ gửi lại lời chúc tốt đẹp đối với những người tặng tiền lì xì cho mình.
Chính vì vậy, để trẻ ứng xử có văn hóa, cư xử phải phép, vui và đẹp lòng khách khi được nhận tiền lì xì, các bậc cha mẹ, ông bà, những người lớn trong gia đình phải luôn chú trọng uốn nắn, hướng dẫn, dạy bảo trẻ từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất.
Người ta từng bảo “Dạy con từ thuở còn thơ” vì vậy những điều đơn giản như ứng xử có văn hóa trong lúc nhận tiền lì xì dịp tết cũng cần được chỉ bảo cặn kẽ.
Bình luận (0)