Đẩy trẻ vào đời sớm

09/02/2012 11:09 GMT+7

Hoàn cảnh éo le khiến nhiều đứa trẻ phải sớm ra đời mưu sinh. Tuy kiếm được tiền nhưng các em dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu ngoài xã hội.

Ai có dịp đến mua trái cây ở đường Trang Tử (phường 14, quận 5 - TPHCM) cũng ấn tượng bởi vóc dáng nhỏ bé nhưng cách tính toán rất nhanh nhạy của bé Nguyễn Thị Thảo. Đặt túi lựu lên cân, chỉ vài giây, cô bé đã nói ngay: “Của chị 1,3 kg, hết 39.000 đồng”.

Muôn ngàn lý do

Mới lên 10 tuổi nhưng Thảo đã có “thâm niên” 4 năm bán trái cây. Cha mẹ ly hôn khi em mới 8 tháng tuổi, bà nội đón hai chị em Thảo về nuôi. Cha mẹ đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, năm thì mười họa họ mới tạt sang thăm hai chị em. Hỏi đến mẹ, cô bé nói giọng tỉnh queo: “Tháng trước bả có về nhưng chị em con mắc đi chơi net (internet) nên không nói chuyện với bả”.


Nhiều đứa trẻ bị cha mẹ “đẩy” ra đường để mưu sinh

Trước đây, cả hai chị em Thảo đều ra phụ bà nội buôn bán nhưng 3 tháng nay sạp trái cây của người dì đông khách hơn nên bà nội gửi Thảo sang làm cho dì. Cuối tháng, người dì lại gửi khoản tiền công nho nhỏ cho bà nội nuôi hai chị em Thảo ăn học. Buổi tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần, Thảo đến Trường Phú Thọ học bổ túc lớp 4. Hỏi đến thời gian em học bài, người dì nhanh miệng: “Con nhỏ sáng dạ lắm, không cần học bài mà năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Chị của nó học lớp 5 nhưng mấy năm nay rớt lên rớt xuống”.

Khác với hoàn cảnh của Thảo, cậu bé Trần Văn Tuấn, thường bán vé số ở đường Châu Văn Liêm, quận 5 – TPHCM, vẫn sống với cha mẹ. Ngày nào em cũng theo mẹ đi bán vé số dạo. Từ Trà Vinh, cả gia đình Tuấn lên TP mướn phòng trọ mưu sinh bằng nghề bán vé số. Công việc của mẹ Tuấn là đi theo con trai “thâu” tiền. Vừa thấy khách, người mẹ nhanh tay đẩy vai con trai lại mời. Nghe tôi hỏi đến cậu bé, mẹ cậu vui vẻ nói: “Ở quê cháu học lớp 5 thì nghỉ học, tại cháu lười học chứ không phải cha mẹ không cho đi học. Hồi trước, tôi để cháu đi bán một mình nhưng ngày nào cũng bị lừa, giật vé số nên giờ tôi đi kèm”. 

Dễ nhiễm thói xấu

Từ 16 giờ đến 23 giờ là khoảng thời gian em B.T.T (Công viên 23-9, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - TPHCM) bận bịu với việc bán bánh kẹo, hoa hồng. Cô bé già dặn hơn tuổi 15 rất nhiều. Cha mẹ bỏ nhau khi T. lên 4 tuổi, em phải ở cùng bà ngoại già nua, không có thu nhập. Quê ở Thừa Thiên - Huế, hơn 3 năm nay, hai bà cháu vào TPHCM buôn thúng bán bưng.

Mỗi lần thấy cặp nam nữ ngồi ghế đá tâm sự, T.  lại sà đến mời mọc. Cô bé vui vẻ kể lại những “mánh khóe” để bán đắt: “Em thường nói “Anh chị đẹp đôi quá” hay “Chị mặc áo đẹp ghê” để khách vừa lòng”. T. cũng không ngại khoe: “Có mấy anh chạy xe xịn, biết em thích hoa lan nên hay mua tặng em. Mấy anh khen em có nụ cười “sát” trai. Mỗi lần đến Tết, mấy ảnh còn mua quần áo, lì xì cho em. Tặng quà thì em nhận nhưng rủ đi chơi em không đi đâu. Bà ngoại dặn không được đi với con trai”. Ở tuổi bồng bột như vậy không biết T. có đủ khôn khéo để tránh được những cạm bẫy cuộc đời. Có điều T. không nhận ra mỗi ngày thói thực dụng đang len lỏi vào tâm hồn thơ trẻ của em.

Sạp trái cây của bé Thảo cũng kề bên khu vực Bến xe Chợ Lớn. Ngày ngày đủ chuyện xô bồ của cuộc sống diễn ra trước mắt cô bé. Hết cảnh nói tục, chửi thề, ngồi bàn số đề đến cảnh đánh nhau xảy ra thường trực. Tuổi còn nhỏ, các em không dễ gì “đề kháng” được trước các thói hư tật xấu ấy. Chị Lê Thị Hằng thường lui tới Công viên 23-9 tập thể dục cho biết: “Các em nhỏ tuổi mà cha mẹ đã bỏ lăn lóc ngoài xã hội dễ hư lắm. Không ít lần tôi thấy các em móc túi, lừa phỉnh. Nhiều khi các em còn trở thành nạn nhân của những tên yêu râu xanh”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.