Trên bục giảng, thầy gân cổ nói câu thơ tuyệt đẹp thế này, câu văn sâu sắc thế nọ, nghệ thuật độc đáo thế kia; rồi… thì là cái đẹp của tâm hồn, cái khéo của ngôn từ, cái hay của diễn đạt, cái sâu của tư tưởng… Dưới lớp, học trò ù ù cạc cạc. Thầy “vấn” nhưng trò không buồn “đáp”. Muốn có tiếng nói của “chủ thể” cho sinh động, thầy hỏi: “Tác giả Truyện Kiều là ai?” cũng tịnh không một tiếng trả lời.
Chả bù với giờ học toán, thầy nói ít, trò làm nhiều, kiếm cái ngáp của chúng không ra. Toán là con số mà sao hút hồn học sinh đến vậy. Còn văn là con người sao lễnh loãng thế kia?
Vì sao học trò chán học văn? Làm thế nào để các em học văn một cách hứng thú? Những câu hỏi ấy cứ lửng lơ trên diễn đàn, trong hội trường và sau những hội nghị với hàng chục tham luận.
Giải thích vấn đề này, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng bên cạnh nguyên nhân chương trình ngữ văn thiên về văn học sử, thiếu tính nghệ thuật nhưng nặng về kinh viện, hàn lâm còn có nguyên nhân từ chính những giáo viên văn thiếu bản lĩnh và tâm huyết trong nghề.
Trong những lần chỉ có “ta với ta”, nhiều giáo viên dạy văn cho rằng môn của mình những năm gần đây bèo bọt lắm. Một số học sinh “đỗ oan” với tấm bằng tốt nghiệp THPT hạng “khá, giỏi” uể oải bước vào sư phạm văn sau khi bị các trường kinh tế, ngân hàng… từ chối. Những học sinh ấy đã từng có nhiều bài văn với lời phê “ý nghèo, văn vụng”, đã từng ngáp đến sái quai hàm trong giờ văn nay làm thầy dạy văn bảo sao không có những “giai thoại”.
Một giáo viên dạy tiếng Việt lớp 8 đọc định nghĩa câu ghép trong giáo án: “Câu ghép là những câu do hai hoặc nhiều cụm chủ vị không bao chức nhau tạo thành” (chính xác là bao chứa). Học trò xì xào: “Bao chứa chứ ạ?”. Giáo viên tỉnh rụi nói bao chức hay bao chứa… cũng vậy, nhưng từ bao chức đúng hơn (!?). Thì ra giáo án “lôi” trên mạng xuống, sai sót tùm lum, lại thiếu chuyên môn nên giáo viên cứ thế mà đọc.
Đề cập câu ca dao dùng lối nói ngược để châm biếm: “Thật thà như thể lái trâu/Thương nhau như thể nàng dâu, mẹ chồng”, giáo viên giảng rằng ngày xưa lái trâu thật thà lắm, không phải như bây giờ (!?). Dạy bài Nhớ rừng (Thế Lữ - ngữ văn lớp 8) giáo viên nói bài thơ thể hiện tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng bị tù đày, họ nhớ lại một thời hô hào nhân dân khởi nghĩa…(!?).
Trần Cao Duyên
>> Thay đổi cách dạy, học văn
>> Nỗi niềm dạy học theo phương pháp mới
>> Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học năm học 2012-2013
Bình luận (0)