Dạy văn theo phương pháp chủ động tích cực có làm mất 'chất văn'?

01/03/2023 14:14 GMT+7

Việc áp dụng phương pháp chủ động tích cực trong giảng dạy ngữ văn là cần thiết, nhưng không phải giáo viên nào cũng có thể thực hiện hiệu quả.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tạo điều kiện cho việc dạy và học môn ngữ văn ở cấp THPT tích cực, chủ động và sáng tạo hơn. Theo đó, thay vì coi trọng trang bị kiến thức, giáo viên cần áp dụng các phương pháp, kỹ thuật giảng dạy một cách thực sự hiệu quả để hướng dẫn học sinh phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện.

Không phải cứ "đổi mới" là hiệu quả

Việc áp dụng phương pháp chủ động tích cực như làm việc nhóm, chơi trò chơi, giải quyết vấn đề... vào môn ngữ văn không còn xa lạ. Tuy nhiên, một số học sinh không cảm thấy hiệu quả khi được học theo các phương pháp đó.

Chẳng hạn, V.D.K., học sinh lớp 12 tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), nhận thấy, trong những tiết ngữ văn có hoạt động thảo luận nhóm, trò chơi (như vẽ tranh, sắm vai hay giải ô chữ) thì các câu hỏi, vấn đề thường có sẵn trong sách giáo khoa hay dễ dàng tra cứu trên mạng nên không tạo sự hứng thú, khơi gợi được tính chủ động của học sinh.

"Lúc làm việc nhóm, đa số học sinh 'đối phó' những câu hỏi bằng việc chép đáp án có sẵn rồi tranh thủ làm việc riêng. Do đó, những hoạt động này chỉ làm loãng không khí lớp học, gây mất thời gian", nam sinh cho hay.

Đồng quan điểm trên, H.T.A., học sinh lớp 10 tại TP.HCM, cho rằng đôi khi phương pháp chủ động tích cực gây lãng phí thời gian và làm cho môn ngữ văn trở nên mất "chất văn" hơn.

"Một tiết học chỉ có 45 phút nhưng giáo viên đã mất hết 10 phút để chia nhóm và ổn định trật tự. Thời gian còn lại thật sự không đủ để em có thể thưởng thức vẻ đẹp trong ngôn từ, cấu trúc tác phẩm hay thông điệp của tác giả. Vì thế, hầu hết các tiết học đều 'dang dở' và em phải tự tìm hiểu thêm nội dung tác phẩm", nữ sinh bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, Nguyễn Trà My, học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay, vào năm lớp 10 và 11, giáo viên thường tổ chức những hoạt động thú vị như thảo luận nhóm về các vấn đề xã hội hay mở phiên tòa biện hộ cho các nhân vật trong một số tác phẩm.

"Từ đó, học sinh được chủ động khai thác, nhìn nhận các vấn đề trong tác phẩm từ góc độ cá nhân và lắng nghe góc nhìn của những thành viên khác nên kiến thức được thẩm thấu một cách rất tự nhiên. Những hoạt động như thế này giúp môn ngữ văn trở nên hấp dẫn hơn so với cách dạy học truyền thống", Trà My nhận xét.

Làm thế nào để áp dụng hiệu quả phương pháp chủ động tích cực trong dạy văn? - Ảnh 1.

Học sinh chủ động trình bày ý kiến, quan điểm của mình trong tiết học ngữ văn

NVCC

Điều kiện thành công đến từ người dạy và học

Theo cô Phùng Thị Thanh Lài, giáo viên ngữ văn Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc áp dụng phương pháp chủ động tích cực trong giảng dạy ngữ văn là cần thiết, nhưng không phải giáo viên nào cũng có thể thực hiện hiệu quả.

Cô chia sẻ: "Tôi cho rằng vấn đề gây khó đó là động cơ của 3 đối tượng: người dạy, người học và nhà quản lý. Nếu người học không có động cơ học thì người dạy không thể làm tốt được. Người học có động cơ nhưng người dạy chưa phát huy được vai trò của người hướng dẫn thì cũng không ổn. Nếu cơ chế quản lý không mở thì cũng rất khó để áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, chủ động".

Với kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô Thanh Lài cho rằng điều kiện để áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, chủ động đến từ ý thức và kiến thức của cả người dạy, người học.

Về ý thức, cô khẳng định đối tượng trung tâm của giáo dục là người học. Người học nên được giáo dục trên tinh thần tôn trọng, cộng hưởng giữa người dạy và người học.

"Cô và trò phải cởi mở, đối thoại, tin tưởng lẫn nhau và hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ. Hơn nữa, tôi luôn ý thức rằng người dạy chỉ là người hướng dẫn chứ không có quyền quyết định người học. Chẳng hạn, ở mỗi bài học, tôi sẽ đặt ra cho học sinh câu hỏi là vì sao mình phải học hay là mình nên học tác phẩm này. Lúc này, tôi đã trao quyền chủ động và cởi mở cho các em. Sau đó, cô trò sẽ đối thoại cho đến khi học sinh cảm thấy sự thú vị của tác phẩm và có động cơ để học nó", cô nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình dạy và học, cả người dạy lẫn người học đều phải biết chọn lọc kiến thức. Đặc biệt, giáo viên có vai trò chọn lọc nhiều hơn, để đảm bảo kiến thức phù hợp, cập nhật và bài học không lạc hậu, xa rời với đời sống. Chẳng hạn, trong buổi dạy nghị luận xã hội gần đây, cô Lài đã chia nhóm thảo luận và thuyết trình về công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Chủ đề này đã tạo hứng thú, giúp học sinh thảo luận sôi nổi, chủ động và cởi mở hơn.

Làm thế nào để áp dụng hiệu quả phương pháp chủ động tích cực trong dạy văn? - Ảnh 2.

Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp tạo hứng thú, giúp học sinh thảo luận sôi nổi, chủ động và cởi mở hơn

NVCC

Theo cô Thanh Lài, muốn áp dụng hiệu quả phương pháp giảng dạy chủ động tích cực, đầu tiên, giáo viên cần khảo sát trình độ và kỳ vọng của người học, để từ đó biết mình cần làm gì, hướng dẫn những gì để giúp các em đạt kỳ vọng.

Sau đó, giáo viên và học sinh cần xác định mục tiêu cuối cùng là có kiến thức, kỹ năng và sự kết nối với cuộc sống. Tiếp đến, giáo viên cần kiến tạo những tiết học trên tinh thần hợp tác, đối thoại và đồng thuận.

"Chẳng hạn, tôi sẽ bảo học sinh mở mục lục ra, bày tỏ cảm nhận về bài học trong sách và đề xuất những tác phẩm ngoài chương trình muốn tìm hiểu thêm. Nhờ tinh thần đối thoại, hợp tác, đồng thuận đó, cô và trò có thể xây dựng một chương trình đặc thù cho lớp", cô Lài giải thích.

Cuối cùng, giáo viên và học sinh sẽ cùng phản hồi về ưu điểm, khuyết điểm, hiệu quả trong cách dạy và học. Giáo viên cũng cần quan sát để tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy của mình sau mỗi buổi dạy, theo cô Thanh Lài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.