ĐBQH Huỳnh Nghĩa: Có biểu hiện lợi ích cục bộ trong xây dựng luật

28/03/2016 10:18 GMT+7

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận xét như vậy khi phát biểu thảo luận tại nghị trường sáng 28.3 về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận xét như vậy khi phát biểu thảo luận tại nghị trường sáng 28.3 về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật - Ảnh: Ngọc Thắng
Giám sát chống tham nhũng, lãng phí chưa đến nơi đến chốn
ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã làm một công việc vô cùng quan trọng là sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước.
“Hiến pháp đã mở rộng quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, là sự tiến bộ vượt bậc trong công tác lập pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.
Góp ý về những điều Quốc hội cần làm tốt hơn, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng Quốc hội chưa thực hiện hết thực quyền mà pháp luật quy định, hoạt động của Quốc hội vẫn còn hạn chế, chưa thật sự cải tiến, đổi mới mạnh mẽ. Mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, còn lúng túng, không chặt chẽ; công tác giám sát chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chưa đạt hiệu quả, chưa đến nơi, đến chốn.
Theo ĐB Nghĩa, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội, nhưng còn thiếu tập trung, còn chắp vá. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa khoa học. Một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, hay Quốc hội thông qua rồi dư luận không chấp nhận, phải sửa lại.
“Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm? Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi, thì làm luật để làm gì?”, ĐB Nghĩa nêu vấn đề.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, ĐB Nghĩa cho rằng đây là cách làm mới, để người giữ trọng trách phải không ngừng tự hoàn thiện mình, nhưng việc này nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng.
Nguyên nhân, theo ông Nghĩa, do “quy trình quá rối rắm”. “Việc quy định 3 mức: Tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ? Tôi đề nghị chỉ nên quy định hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo bước ngoặc đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm”, ĐB Nghĩa nêu ý kiến.
Hướng dẫn thi hành luật kiểu “thủ kho to hơn thủ trưởng”
Góp ý về những hạn chế, bất cập để Quốc hội khoá tới rút kinh nghiệm, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, việc chậm gửi dự thảo luật để ĐBQH nghiên cứu, đóng góp ý kiến vẫn xảy ở các kỳ họp.
“Việc ban hành luật nhưng trong đó vẫn còn có những điều luật chưa cụ thể dẫn đến tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, tạo khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho việc lách luật dẫn đến nhiều hệ lụy”, ĐB Huệ phát biểu.
Ví von tình trạng nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định, thậm chí hướng dẫn không đúng nghị định như chuyện “thủ kho to hơn thủ trưởng”, ĐB Huệ nêu ví dụ Thông tư 08 của liên Bộ: Tài chính - Nội vụ hướng dẫn Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đã hướng dẫn nhầm các xã ATK, xã biên giới, xã bãi ngang ven biển được đầu tư chương trình 135. “Việc này đã làm thiệt hại ngân sách nhiều tỉ đồng, gây tâm lý không tốt trong một bộ phận nhân dân”, ĐB Huệ dẫn chứng.
Theo ĐB Huệ, cũng có trường hợp luật quy định những điều khoản rất nhân văn được cử tri ủng hộ như luật người cao tuổi, người có công nhưng khi tổ chức thực hiện không đảm bảo nguồn lực. Ví dụ tiêu biểu là trường hợp Nghị định 136 nâng mức trợ cấp người trên 80 tuổi từ mức 180.000 đồng lên 270.000 nghìn đồng/tháng, sau lại điều chỉnh xuống 2 mức. Hoặc chế độ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22 của Thủ tướng đến nay nhiều địa phương còn nợ, chưa có tiền chi trả cho đối tượng được hưởng.
“Những tồn tại hạn chế được phân tích ở trên là nguyên nhân dẫn đến việc luật ban hành chậm hoặc không đi vào cuộc sống từ đó dẫn đến nhờn luật giảm tính thượng tôn pháp luật”, ĐB Huệ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.