Sáng 23.4, làm việc với Ủy ban Các vấn đề xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết đến thời điểm này, Bộ Y tế đã hoàn thành việc đấu thầu tập trung quốc gia với 8 danh mục thuốc có số lượng sử dụng lớn, kéo giảm được giá thuốc, khắc phục chênh lệch giá trúng thầu giữa các địa phương, đã tiết kiệm được trên 477 tỉ đồng (17%) so với giá kế hoạch, trong đó, biệt dược giảm được khoảng hơn 114 tỉ đồng và thuốc generic (thuốc thông thường) giảm được 362 tỉ đồng (giảm 33%).
Theo ông Tuấn, hiện Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị đàm phán thuốc cấp quốc gia.
Tuy nhiên, không vui mừng với con số này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện huyết học truyền máu T.Ư, cho rằng: "Đừng tính hiệu quả qua việc tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Nếu chỉ như thế thì cũng tốt, nhưng quan trọng nhất là chất lượng điều trị có tốt lên không và bệnh nhân có thật dùng thuốc đó không? Rất nhiều anh em đồng nghiệp đã nói và tôi thấy đau lòng, rằng thuốc này chỉ có người nghèo dùng”.
Theo đại biểu Trí, điều quan trọng là nên xây dựng chỉ tiêu đánh giá tính hiệu quả của đấu thầu thuốc tập trung đa diện hơn, bao gồm cả giá và chất lượng thuốc, chất lượng điều trị, theo từng năm một.
“Xin đừng vì không quản lý được thì đẩy bất lợi về cho bệnh nhân. Tôi rất trăn trở suy nghĩ về điều này. Chỉ có người nghèo mới dùng thuốc đó”, đại biểu Trí nói thêm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết bản thân luôn phản đối việc đưa con số tiết kiệm mấy trăm tỉ vào báo cáo.
“Thực ra số tiền tiết kiệm này chỉ là lấy giá kế hoạch trừ đi giá trúng thầu, mà đấu thầu tập trung hay đấu thầu lẻ thì giá kế hoạch bao giờ cũng cao hơn giá trúng thầu cả. Số tiền đó không phải vì đấu thầu tập trung mà giảm được”, bà Lan nói thẳng, và cho rằng, cần đánh giá được lợi ích của đấu thầu tập trung so với đấu thầu thường thế nào, và có nhất thiết phải đấu thầu hay không, chứ không phải đấu thầu là con đường duy nhất. Bởi theo đại biểu này, đấu thầu tập trung hay riêng lẻ thì tiêu cực cũng là do con người. "Đấu thầu tập trung khi tiêu cực còn kinh khủng hơn”, bà Lan cảnh báo.
Đại biểu này cũng bày tỏ lo ngại việc đưa các dữ liệu không chính xác sẽ khiến nhận định sai lầm, vì nếu năm nào cũng báo cáo tiết kiệm mấy trăm tỉ sẽ khiến người dân nghĩ rằng giá thuốc ngày càng rẻ đi.
Trước phát biểu này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định số tiền tiết kiệm được là thật, nhưng không phúc đáp về thông tin thuốc chỉ dùng cho người nghèo.
“Khi tính giá kế hoạch của đấu thầu tập trung, chúng ta đã tính giá bình quân của năm trước rồi, nên mức tiết kiệm thì rất là thực tế. Chúng tôi đã có so sánh từng loại thuốc và giá so với năm trước có thấp hơn”, Thứ trưởng Tuấn lý giải.
Bình luận (0)