ĐBSCL: Ưu tiên hàng đầu là thủy sản

28/09/2017 06:08 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nghiên cứu chuyển hướng chiến lược nông nghiệp ở ĐBSCL từ ưu tiên lúa, thủy sản, cây trồng khác thành ưu tiên thủy sản, cây trồng khác và lúa.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra trong hai ngày 26, 27.9, được xem là một bước ngoặt lịch sử để "vựa lúa của cả nước" chấm dứt thời tăng diện tích lúa bằng mọi cách, mọi giá để chuyển sang nuôi trồng những cây, con có thể giúp người nông dân giàu có hơn.
Luân canh và tiết kiệm nguồn nước
ĐBSCL Ưu tiên hàng đầu là thủy sản
       
Tại hội nghị, nhiều mô hình, sự chuyển đổi và kế sách về sản xuất nông nghiệp đã được các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước hiến kế cho ĐBSCL trong 2 ngày qua.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề xuất trong quy hoạch cần phân chia ĐBSCL thành 3 vùng (vùng trên, vùng giữa, vùng ven biển), trong đó có quy hoạch cụ thể từng tiểu vùng để có cơ chế phù hợp cho đầu tư phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề nghị cần có giải pháp công trình, phi công trình cấp quốc gia để bảo vệ đất, phù sa, ngăn chặn sạt lở hiệu quả; quyết đoán bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt, xây dựng các công trình điều tiết lũ; có giải pháp cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Còn Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan lại nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp lực giữa 3 chủ thể: nhà nước - doanh nghiệp và người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh; xây dựng đề án liên kết tiểu vùng; đề xuất đầu tư kiến tạo mô hình các chuỗi giá trị cho từng ngành hàng; phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu kinh tế khu vực ĐBSCL.
Câu chuyện quản lý, sử dụng nước được GS-TS Võ Tòng Xuân trăn trở gửi đến Thủ tướng, làm sao đối thoại với các nước thượng nguồn Mê Kông để họ chia sẻ nguồn nước, dù rất khó. “Thế nên chúng ta có bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, nghĩa là sử dụng hợp lý. Để làm được điều này phải chọn cây, con thích hợp, rồi áp dụng cho từng điều kiện ngọt, mặn, lợ. Vùng trũng thì ta làm một vụ lúa; còn vụ 2, vụ 3 ta đi nuôi tôm”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói. Ông cũng đề nghị cần tích lũy nước trong mùa mưa, mùa lũ để sử dụng trong mùa khô. Đó cũng là cách để tái khôi phục nước ngầm.
Dứt khoát giảm diện tích lúa vụ 3
Xây dựng dự thảo nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các địa phương, đại biểu, xây dựng ngay dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho biết sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan. Cụ thể với lĩnh vực tài nguyên môi trường, tiếp tục cập nhật và hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại VN đến năm 2100. Kịch bản phải được công bố công khai theo định kỳ để thường xuyên cập nhật, bổ sung các chiến lược, quy hoạch phát triển. Có chiến lược tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước mặn như một tài nguyên mà nhiều nước đã thành công.
Với lĩnh vực nông nghiệp và thủy lợi, chiến lược đầu tiên là chọn cây trồng nào ít sử dụng nước và không tiếp tục gia tăng hoặc giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Rất cần thiết xen canh mô hình canh tác lúa - cá, lúa - tôm để giảm bớt sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu: “Cần nghiên cứu chuyển hướng chiến lược sản phẩm nông nghiệp chủ lực trước đây theo ưu tiên lúa, thủy sản, cây trồng khác, sắp tới nên theo ưu tiên thủy sản, cây trồng và lúa. Dứt khoát giảm diện tích lúa vụ 3. Trong quá trình chọn lựa cây, con cần thiết phải có doanh nghiệp tham gia từ đầu. Vì họ là người sau cùng đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp ra thị trường”.
Đối với lĩnh vực công thương, hạn chế tối đa làm nhiệt điện than và nếu làm, không được ảnh hưởng đến môi trường. Phải tăng cường phát triển năng lượng tái tạo mà trước mắt là điện gió, điện mặt trời vốn nhiều tiềm năng ở ĐBSCL. Về lĩnh vực tài chính, Thủ tướng khẳng định, từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỉ USD để làm hệ thống cống điều tiết ngăn mặn ở Kiên Giang; cống điều tiết lũ ở tỉnh An Giang, một số đoạn sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa của nhân dân. “Ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn như hội nghị hôm nay để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL. Hằng năm phải kiểm điểm vấn đề chúng ta đã nói hiện nay xem đã làm đến đâu, sẽ làm đến đâu và phải làm gì để phát triển ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, Thủ tướng nói.
Phải là nền nông nghiệp thông minh
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của VN mà phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là châu Á trong tương lai. Một nền nông nghiệp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa; thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp điều kiện mới, lấy phát triển bền vững và hiệu quả của sản xuất làm tiêu chí quan trọng.
Thủ tướng cũng đưa ra 3 quan điểm phát triển của khu vực ĐBSCL theo hướng: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa của vùng. Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy kinh tế nông nghiệp, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó là tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, với mặn, với khô hạn, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tế.
Quy hoạch ĐBSCL phải mang tính liên ngành, liên vùng
Hiện nay đã có hơn 2.500 quy hoạch được lập cho vùng ĐBSCL thuộc nhiều cấp, ngành khác nhau. Việc lập riêng lẻ nhiều quy hoạch, chất lượng quy hoạch kém gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Sau hội nghị này, quy hoạch nhằm đưa ĐBSCL phát triển bền vững phải
 mang tính chất liên ngành. Quy hoạch trên cơ sở tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu chứ không chống lại; không can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên. Chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất, coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý, coi kinh tế biển là động lực quan trọng cho sự phát triển của vùng…
    Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Tăng cường hợp tác để khai thác, sử dụng nước sông Mê Kông
Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TP.HCM. Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm. Đồng thời, cần cơ chế đột phá, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Thống nhất với đề xuất quy hoạch phân vùng theo 3 vùng sinh thái cùng với các dự án ưu tiên cho 3 vùng như đề xuất trong kế hoạch ĐBSCL. Xây dựng cơ chế hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cao ủy đồng bằng Hà Lan; tăng cường kết nối, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác quốc tế về phát triển bền vững đồng bằng. Đánh giá toàn diện và sửa đổi, bổ sung Hiệp định Mê Kông 1995 theo hướng tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà 
Khích lệ doanh nghiệp về nông thôn
Cần có cơ chế, chính sách khích lệ doanh nghiệp về nông thôn phát triển nông nghiệp nói chung, nhất là ở ĐBSCL.
Khi đó, sinh kế người nông dân mới ổn định, trụ được trong bối cảnh biến đổi khí hậu. T.Ư có thể vay tiền của các tổ chức quốc tế dài hạn rồi phân bổ cho các địa phương và doanh nghiệp vay lại không tính lãi. Từ đó họ có thể thuê đất của dân, phối hợp nông dân hình thành nên những cánh đồng lớn, chủ động sản xuất theo quy trình.
    PGS-TS Dương Văn Chín, Tập đoàn Lộc Trời
Làm 1 công lúa không bằng 8 kg tôm
Tôi mong rằng nhà nước sẽ có giải pháp thủy lợi cho vùng nuôi tôm như ở U Minh, Cà Mau làm sao để mặn được điều tiết vừa phải mà nước ngọt cũng được chủ động hơn vào mùa khô. Hiện gia đình tôi có khoảng 4,5 ha đất trồng lúa xen nuôi tôm. Một năm trồng 1 vụ lúa đông xuân thu hoạch khoảng 14 tấn lúa, dư nhà ăn, còn phần lớn đem bán. Tôm thả xen lúa 1 năm có 4 lần thu hoạch, mỗi lần kéo dài 4 - 6 ngày với khoảng 240 kg tôm, giá bán 250.000 - 260.000 đồng/kg. So với trồng lúa không thì hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trước đây, tôi làm 1 công lúa trong 1 năm chỉ thu tối đa được 2 triệu đồng, chưa bằng bán 8 kg tôm.     
    Ông Nguyễn Hữu Viên (50 tuổi, xã Nguyễn Phích, H.U Minh, Cà Mau)
    Đình Tuyển (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.