Đó là một trong những sai phạm trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thuộc địa bàn TP.Hà Nội, được Thanh tra TP.Hà Nội khẳng định tại kết luận thanh tra công bố hôm qua.
Các cây xanh trồng mới trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm như công bố trước đây - Ảnh: Thái Sơn
|
Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội
|
Mập mờ giá cây thay thế
Cụ thể, kết luật thanh tra (KLTT) nêu rõ việc thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh (chủ yếu là keo lá tràm dễ gãy đổ, cây hoa sữa trồng mật độ dày gây mùi khó chịu và một số loại cây như dâu da, bàng… không đúng chủng loại cây đô thị) bằng cây vàng tâm là do đề xuất của Công an TP.Hà Nội. Trên cơ sở đóng góp ủng hộ tự nguyện của cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội và một doanh nghiệp, từ đầu tháng 3.2015 tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì đã khảo sát, lập hiện trạng vào cho phép chặt hạ 127 cây, dịch chuyển 205 cây, sau đó bổ sung, thay thế 332 cây. Công ty TNHH MTV công viên cây xanh sau đó đã chặt hạ 112 cây, dịch chuyển 132 cây, trồng thay thế 239 cây, trồng mới 2 cây. Công ty cổ phần thương mại và đầu tư HDL là đơn vị cung cấp và trồng cây vàng tâm, nhưng không đưa ra mức giá mỗi cây. Còn theo biên bản thỏa thuận giữa công ty này và đơn vị tài trợ kinh phí trồng cây thì giá trồng mỗi cây vàng tâm dưới 2 triệu đồng, bao gồm vận chuyển, trồng và chăm sóc đến khi cây tươi tốt mới thanh toán theo thực tế.
Dựa theo kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệp Bộ NN-PTNT và xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, Thanh tra khẳng định cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không phải vàng tâm. Thanh tra đã xác minh từ người dân bán cây tại xã Đại Lịch (tỉnh Yên Bái) và xác nhận của UBND xã Đại Lịch. Từ đầu tháng 3.2015, UBND xã xác nhận cho người dân khai thác, bán 150 cây mỡ với giá từ 100.000 đến 150.000 đồng/cây, cả công đào và bốc lên xe là 300.000 đồng/cây.
Liên quan đến việc thay thế cây trên tuyến đường này, Thanh tra thành phố khẳng định nhà chức trách chưa tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân là việc làm nóng vội, giản đơn. Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền chưa tốt, nhân dân chưa đồng thuận, thậm chí phản ứng gay gắt.
“Không chặt chẽ, không khoa học”
Dù khẳng định chưa phát hiện thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, nhưng KLTT nêu rõ trong việc tổ chức thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh có nhiều sai sót. Cụ thể, trong đề án đã được phê duyệt, tiêu đề một số mục chung chung, chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ: số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, dịch chuyển, thay thế… Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung… là không chặt chẽ, không khoa học, chưa phù hợp từng nội dung thực hiện cho từng loại cây trên từng tuyến đường, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Đối với việc cải tạo, thay thế cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Trãi, do khảo sát chưa kỹ trước khi cấp phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng (86 vị trí vướng công trình, hạ tầng).
Sở Xây dựng có trách nhiệm trong việc cho phép Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An thực hiện chặt hạ 19 cây, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Vĩnh An thực hiện chặt hạ 20 cây, trong khi 2 công ty trên không phải là đơn vị được giao thực hiện chặt hạ trong giấy phép. “Việc nghiệm thu, giám sát kết quả tổ chức thực hiện của 3 công ty (Công ty cổ phần thương mại và công nghệ Bình Minh, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Vĩnh An) thiếu thành phần xác nhận của UBND phường sở tại; do đó chưa đầy đủ thành phần quy định tại Quy trình kỹ thuật cắt sửa, chặt hạ cây bóng mát trên địa bàn”, Thanh tra chỉ rõ sai phạm.
Một số cây trồng thay thế mặc dù là cây thuộc danh mục cây đô thị nhưng không đúng loại cây đã được cấp phép là chưa thực hiện nghiêm túc nội dung giấy phép đã cấp. Trách nhiệm này thuộc về đơn vị thực hiện là Công ty TNHH MTV công viên cây xanh và đơn vị giám sát là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Xây dựng.
Kiểm điểm, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân sai phạm
Thanh tra TP.Hà Nội cho rằng để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Xây dựng, Sở TT-TT và các cơ quan chức năng được giao thực hiện. Lãnh đạo UBND thành phố cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao. Từ đó, Thanh tra đề nghị UBND TP.Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo UBND TP; kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những người trực tiếp liên quan gồm: Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở.
Ngay sau khi công bố KLTT, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo các phó chủ tịch, ủy viên UBND TP theo lĩnh vực được phân công chỉ đạo khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở và đơn vị trực thuộc để xảy ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, báo cáo UBND TP trước ngày 15.6. Sở Xây dựng phải khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí, cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong thời gian qua; khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cây hai bên tuyến đường trên địa bàn các quận, lập hồ sơ chi tiết, đánh giá, phân loại theo tiêu chí xác định. Việc cải tạo thay thế cây xanh phải được thực hiện công khai minh bạch; xây dựng quy chế tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất UBND TP xem xét, điều chỉnh Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014 - 2015.
Sở Tài chính phối hợp Sở Xây dựng tổ chức kiểm kê gỗ, củi trong kho, khẩn trương đấu giá theo quy định, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trước ngày 30.7.
|
Bình luận (0)