Đề án phổ cập tiếng Anh của TP.HCM: Cân nhắc hiệu quả và sự lan tỏa

08/11/2012 03:45 GMT+7

Việc tuyển giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy theo đề án phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh tại TP.HCM bằng huy động 100% đóng góp của phụ huynh, đang đặt ra tính hiệu quả và sự lan tỏa của đề án.

Trùng lặp nhiều chương trình

Trong buổi họp bàn về công tác tuyển dụng giáo viên nước ngoài mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Để thực hiện đề án này, tất cả các điều kiện như sử dụng giáo viên bản ngữ, trang thiết bị đều do ngân sách TP hỗ trợ. Tuy nhiên, vừa qua, sau khi tính toán, UBND TP.HCM cho chủ trương năm nay thí điểm 100 giáo viên bản ngữ bằng hình thức xã hội hóa”.

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ  
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong một giờ học với giáo viên nước ngoài - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong cuộc họp ngày 7.8 bàn về kinh phí thực hiện đề án này, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng do tình hình ngân sách rất khó khăn nên ngoài việc chi trả 100% kinh phí thuê giáo viên nước ngoài, phụ huynh còn phải đóng góp 50% kinh phí cho việc mua sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng trị giá 181 triệu đồng/bộ. Phụ huynh học sinh của các trường tham gia sẽ đóng khoảng 90 tỉ đồng. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, tính trung bình học sinh sẽ đóng 120.000 đồng/tháng để học từ 1 - 2 tiết/tuần với giáo viên nước ngoài; mỗi năm đóng tiền trang thiết bị từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết chỉ có học sinh tăng cường tiếng Anh được học với giáo viên nước ngoài sắp tuyển dụng.

 

Mục tiêu của đề án

Đầu năm 2012, UBND TP.HCM phê duyệt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020. Mục tiêu nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, triển khai chương trình dạy và học mới ở các cấp học, đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp. Nhiệm vụ cụ thể theo đề án của Sở là tất cả học sinh phổ thông đều được học tiếng Anh trong nhà trường với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế trong xã hội theo từng cấp độ tương ứng với lớp học và chuẩn quốc tế. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác phổ cập và nâng cao trình độ ngoại ngữ khoảng 2.509 tỉ đồng...

Chính điều này đã khiến nhiều giáo viên cũng như phụ huynh tỏ vẻ không hài lòng và nghi ngờ về hiệu quả của đề án. Nếu chỉ áp dụng cho các học sinh chương trình tăng cường tiếng Anh thì không cần thiết vì hầu hết các trường theo chương trình này đều đã có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, học phí do trường thỏa thuận với phụ huynh. Bây giờ, thực hiện theo đề án thì sẽ trùng lặp với chương trình của nhà trường.

Nguyên lãnh đạo phòng GD một quận trung tâm của TP cho rằng: “Chương trình tăng cường tiếng Anh đã thí điểm hơn 10 năm nay với gần 200 trường. Từ khoảng 5 năm trở lại đây hầu hết các trường đều hợp đồng với giáo viên nước ngoài dạy cho học sinh mỗi tuần từ 1 đến 2 tiết. Việc này đơn giản, ở cấp độ trường, hiệu trưởng vẫn tự quyết định, sao giờ Sở phải làm thay?”. Lãnh đạo Trường tiểu học u Cơ (Q.Tân Phú) tâm tư: “Đầu năm không nghe nói gì nên để đảm bảo tiến độ học tập, trường đã ký hợp đồng với giáo viên người Canada từ đầu tháng 10, vì thế không thể tự nhiên ngưng được. Mặt khác, học phí là 90.000 đồng/tháng, nay áp dụng đề án này phải thu thêm tiền phụ huynh, ái ngại vô cùng”.

Không tiếp cận đến học sinh khó khăn

Trong khi đó, ngoài tiếng Anh tăng cường, TP.HCM còn có nhiều chương trình khác, trong đó gần 500 trường tiểu học đang thực hiện chương trình tiếng Anh tự chọn ( học 2 tiết/tuần). Phần lớn các học sinh tăng cường và chương trình Cambridge hưởng thụ nhiều điều kiện học tập tốt do sự đóng góp của phụ huynh.

Vì vậy, để 100 giáo viên Philippines tham gia giảng dạy cho học sinh tăng cường tiếng Anh vừa lãng phí vì các trường này đều đã có giáo viên bản ngữ, vừa tạo thêm khoảng cách cho các học sinh ở những trường thiếu điều kiện học tập ngoại ngữ. Thế nên, không ngạc nhiên khi một phụ huynh ở Q.12 bức xúc: “Hóa ra, đề án này cuối cùng lại phục vụ cho một nhóm học sinh chứ không còn mang tính phổ cập nữa. Ở vùng xa như con em chúng tôi, trường không có lớp tăng cường tiếng Anh nên thiệt thòi nhiều quá!”. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, theo dự kiến phân bổ nguồn kinh phí trang thiết bị giảng dạy đa chức năng, thì chỉ 194 trường có học sinh tăng cường tiếng Anh mới được thụ hưởng 50% ngân sách của nhà nước. Như vậy là không công bằng cho học sinh của các trường còn lại.

Băn khoăn về giáo viên bản ngữ

Việc chọn giáo viên Philippines chứ không phải các quốc gia nói tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ cũng gây ra nhiều ý kiến.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết: “TP có ký kết hợp tác các vấn đề văn hóa - xã hội với Philippines. Ngoài ra UBND TP có đoàn đại diện các sở liên quan sang Philippines tìm hiểu mô hình trường học. Kết quả cho thấy Philippines là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nhưng tiếng Anh được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày và trong các loại văn bản hành chính. Hầu hết các trường phổ thông và ĐH ở nước này giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Về kinh phí, chẳng hạn như giáo viên người Úc họ yêu cầu mức lương tối thiểu là 5.000 USD, người Anh còn đòi cao hơn nữa. Trong khi đó, giáo viên người Philipines sau khi nhận lương 2.000 USD, họ tự thu xếp các hoạt động sinh sống khác”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 băn khoăn: “Trường đang hợp đồng với giáo viên người Úc. Giờ chuyển qua học với giáo viên Philippines cũng là một nước Đông Nam Á không biết sẽ như thế nào?”. Ông T.T.Thiện, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp), tâm tư: “Dù người Philippines nói tiếng Anh tốt nhưng tôi e rằng không hiệu quả cho lắm. Đã học tiếng Anh thì phải học đúng với người bản ngữ là người Anh, hoặc người Úc hay người Mỹ”.

TP.HCM là một địa phương có những đột phá ở nhiều mặt. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, TP cũng đi đầu khi thực hiện nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh khả năng học ngoại ngữ của học sinh. Đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh TP vô cùng có ý nghĩa. Thế nhưng bước đầu triển khai có những điều chưa hợp lý nên cần phải cân nhắc, tính toán lại. Nếu đề án sử dụng ngân sách của nhà nước thì cần đảm bảo sự lan tỏa và hiệu quả cao. Còn nếu thực hiện theo kiểu xã hội hóa thì người dân cần được quyền có ý kiến, lựa chọn chứ không mang tính áp đặt.

Ý kiến

Quan trọng là quản lý lớp và cách phát âm

“Tôi có tham dự hội thảo về giảng dạy tiếng Anh có giáo viên người Philippines. Tôi nhận thấy họ sử dụng ngôn ngữ khá chuẩn. Những tiết học với giáo viên nước ngoài quan trọng là quản lý lớp và cách phát âm. Cách tổ chức, quản lý học sinh thì giáo viên có thể được tập huấn và trao đổi với nhau nhưng điều khác biệt ở đây là vấn đề phát âm. Tất nhiên, nếu thường xuyên được nghe cách phát âm với giáo viên bản ngữ thì chắc chắn sẽ hay hơn. Đó cũng chính là lý do mà nhiều năm nay, học sinh tăng cường tiếng Anh của trường đã được học với giáo viên người Anh và Úc”.

Nguyễn Hoàng Diễm Trang
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4)

Bích Thanh

>> Hơn 400 tỉ đồng phổ cập tiếng Anh
>> Hơn 408 tỉ đồng cho đề án phổ cập tiếng Anh năm học mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.