THIẾU THỰC LỰC, THẬT KHÓ BAY CAO
World Cup 2023 tựa như một giấc mơ đã thành hiện thực. Nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu căn cứ vào đó để cho rằng bóng đá nữ VN đã thật sự nằm trong nhóm hàng đầu của châu Á để có thể tiếp tục đoạt vé dự World Cup các kỳ sau. Khoảng cách tỷ số khi đội tuyển đối đầu với các đối thủ tại World Cup có thể chưa quá lớn như lo ngại. Kết quả thua đội Nhật Bản tới 0-7 ở ASIAD 19 cũng có vẻ chưa đánh giá đúng thực lực đội tuyển VN khi vắng một số trụ cột… Nhưng với những ai hiểu bóng đá, thì sự khác biệt về trình độ giữa đội tuyển VN với tầm châu lục và thế giới là rất lớn, rất rõ ràng.
Cùng lần đầu dự World Cup, nhưng đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á là Philippines mới là đội gây ấn tượng khi có được chiến thắng lịch sử trước đội chủ nhà New Zealand. Với chính sách nhập tịch và kêu gọi các "Phi kiều" từ khắp thế giới trở về (đặc biệt là các cầu thủ đang chơi bóng tại Mỹ), Philippines đã trở thành một đội bóng mang nhiều dáng dấp châu Âu với các cầu thủ có thể hình, thể lực vượt trội. Nếu cứ duy trì tốc độ tiến bộ như thế, thêm một thời gian nữa, e rằng bóng đá nữ VN sẽ khó lòng đánh bại họ ngay tại đấu trường Đông Nam Á.
Chúng ta không (hay chưa) có chính sách mượn "ngoại lực" như Philippines, vậy nên chỉ có thể trông vào nền tảng tự thân mà thôi. Nhưng "nội lực" của bóng đá nữ VN có gì? Giải vô địch quốc gia (VĐQG) bao năm qua chỉ duy trì từ 6-8 đội, và ở duy nhất 1 hạng (không có áp lực lên/xuống hạng). Trên thực tế, từng có những cái tên như Quảng Ngãi, Long An, Hải Phòng, Cần Thơ hay Lâm Đồng góp mặt ở giải quốc gia, nhưng chỉ được 1-2 mùa giải rồi cứ thế… biến mất khi lãnh đạo tỉnh hay ngành TDTT các địa phương ấy nhận thấy khó cạnh tranh thành tích.
Ngay chính các đội đã nhiều năm thi đấu ở giải VĐQG cũng gặp không ít khó khăn để tồn tại (trong đó có các đội Hà Nội 2 hay TP.HCM 2, nếu không nhờ cố gắng của ngành TDTT địa phương thì đã bị xóa sổ từ lâu). Đội Sơn La thậm chí còn từng phải xin không dự giải vì thiếu người khi nhiều cầu thủ người dân tộc thiểu số đến tuổi… lập gia đình… Chính sách đãi ngộ, lương thưởng dành cho cầu thủ cũng còn thấp. Chỉ có ở đội tuyển quốc gia, trong những năm có thành tích tốt gần đây mới giúp một số tuyển thủ đỉnh cao sống được bằng nghề.
CẦN CÓ SỰ THAY ĐỔI TOÀN DIỆN
Để cổ vũ sự đầu tư từ nguồn ngân sách cho bóng đá nữ ở các địa phương, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp T.Ư tới các tỉnh, thành phố. Song song với đó, rất cần những chính sách để có thể thu hút nguồn lực xã hội, như những cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp tài trợ cho bóng đá nữ chẳng hạn. Tất nhiên, phía Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cũng rất nên có những cuộc làm việc với các tỉnh, thành để họ thấu hiểu, đồng hành, tránh tư tưởng chỉ đầu tư nếu có thành tích cao trong một thời gian ngắn… Có vậy mới tạo nên điểm tựa lâu dài, mang tính nền tảng căn bản.
Nhiều người nói tới hệ thống các giải trẻ cấp quốc gia còn ít, điều kiện thi đấu chưa nhiều. Nhưng thử hỏi nếu các địa phương không đầu tư để xây dựng tuyến trẻ, làm sao có thể tổ chức các giải đấu? Cùng với sự vào cuộc của Chính phủ cũng như sự hưởng ứng của các địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp với hệ thống CLB, rất nên có những biện pháp để phát triển bóng đá nữ trong học đường, qua đó vừa mở rộng đối tượng tuyển chọn tài năng, vừa mở rộng cả về đối tượng thụ hưởng.
Chúng tôi từng không khỏi chạnh lòng khi tham dự lễ công bố nhà tài trợ chính của giải bóng đá nữ VĐQG 2023, sau 12 mùa bóng vẫn là Thái Sơn Bắc. Hỏi kỹ mới hay tuy đội tuyển nữ VN thời gian qua gây tiếng vang lớn như vậy, nhưng vẫn chỉ có số ít nhà tài trợ quan tâm (và chủ yếu cho đội tuyển), còn lại vẫn là sự thờ ơ từ các đối tác, ngay cả với giải VĐQG.
Có thể đội tuyển bóng đá nữ quốc gia sẽ tìm được một HLV mới đủ tầm thay thế HLV Mai Đức Chung. Nhưng để có một thế hệ tuyển thủ mới đủ sức nâng chất đội tuyển về lâu dài, hay làm gì để nâng tầm cả một nền bóng đá nữ quốc gia thì lại là câu chuyện rất khác, không thể chỉ trông vào mỗi VFF mà cần sự thay đổi một cách đồng bộ và toàn diện, từ T.Ư tới các địa phương.
Bình luận (0)