Buổi giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) về hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại” lần V sáng 8-5 đã thu hút hàng trăm bạn đọc gửi câu hỏi trao đổi với ban tổ chức, thành viên hội đồng giám khảo...
|
Nhiều câu hỏi của bạn đọc gặp nhau ở điểm làm sao cho dễ tiếp thu các môn khoa học Mác - Lênin.
TS Nguyễn Thị Thanh Kiều, phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng: “Kiến thức về môn khoa học này luôn cần thiết, có chăng là người học chưa thấy được sự hấp dẫn của nó. Việc cải tiến nội dung, phương pháp đối với các môn học này cần được đầu tư thích đáng và đồng bộ để thật sự tạo được hứng thú cho người học”.
Bạn đọc Trương Tư Phước bày tỏ: “Một bộ phận SV hiện nay không có nhiều đam mê các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. PGS.TS Hà Minh Hồng, trưởng khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết việc học tập các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những môn lý thuyết và lý luận khác, nếu không có những phương pháp dạy và học tập phù hợp sẽ không thể có sự cuốn hút.
Riêng ThS Ngô Văn Minh cũng băn khoăn: “Một đặc thù trong nghiên cứu giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dựa trên các tài liệu thành văn là các bài viết, bài nói của Bác mà còn phải dựa trên các hoạt động thực tiễn, dựa trên phong cách của Bác. Nhiều thầy cô giáo hiện nay gần như chỉ đưa ra các quan điểm của Bác mà thiếu dẫn chứng minh họa nên bài giảng khô khan và người học dễ cảm thấy nhàm chán”.
PGS.TS Vũ Tình, nguyên giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị Đại học Quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh: “Một môn học đạt được chất lượng cao trước hết phải có sự kết hợp hài hòa giữa người dạy và người học. Chính vì vậy việc tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục sự thờ ơ của một số SV đối với các môn học lý luận chính trị cần phải được xem xét, giải quyết từ nhiều phía”.
Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc cũng xoay quanh việc cần thiết phải có kiến thức về các môn lý luận chính trị. ThS Ngô Văn Minh dẫn chứng Bác Hồ nói nếu không có lý luận chính trị thì cũng như người nhắm mắt mà đi.
Theo ThS Minh, các môn khoa học Mác - Lênin ngoài việc cung cấp cho chúng ta một hệ thống tri thức còn giữ vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng thế giới quan, phương pháp luận của mỗi người; thiếu nó thì thiếu sự định hướng cơ bản để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, mặc dù trước mắt có những khó khăn trong việc thu hút người học, nhưng tương lai không xa các môn học này sẽ có được vị thế xứng đáng trong giới trẻ.
Tiếp cận giới trẻ qua hội thi trực tuyến
Nhiều bạn đọc quan tâm đến phần thi trực tuyến “Ánh sáng thời đại”. Anh Lê Quốc Phong, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, cho biết: “Đây là một phương thức mới nhằm thu hút và tạo điều kiện để nhiều bạn trẻ tiếp cận, tham gia các hoạt động do Đoàn - Hội tổ chức. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hình thức thi này với nội dung đa dạng và phong phú hơn. Cuối tháng 5, các bạn có thể tham gia hội thi trực tuyến về an toàn giao thông; tháng 9 là hội thi trực tuyến tìm hiểu về tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chào mừng Đại hội Đoàn TP lần IX và Đại hội Đoàn toàn quốc lần X”. |
Theo Tuổi Trẻ
>> Đã có giáo trình giảng dạy môn học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng phim, ảnh
>> Quy chế mới về đào tạo ĐH-CĐ hệ chính quy: "Nới" cho sinh viên
>> Ghi nhớ hiệu quả môn khoa học xã hội
Bình luận (0)