Để cao tốc miền Tây không lỗi hẹn

Đình Tuyển
Đình Tuyển
17/12/2024 04:09 GMT+7

"Nhớ hồi trước, mỗi lần lên TP.HCM là loay hoay mệt mỏi cả ngày trời. Giờ thì sướng rồi, có cao tốc, hai tiếng rưỡi là tới nơi, khỏe re!", ông Hùng "xe tải" tay ôm vô lăng, mắt dõi theo con đường cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương trải dài trước mặt, giọng đầy phấn khích.

Hơn 20 năm trong nghề tài xế xe tải, ông Nguyễn Quốc Hùng, ngụ TP.Cần Thơ (thường gọi Hùng "xe tải"), đã quá quen với những cung đường miền Tây. Trong ông và nhiều người khác vẫn chưa phai ký ức về thời người dân bờ nam sông Hậu như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau muốn đi TP.HCM phải qua 2 lần phà, đường thì hẹp, xe thì đông, khoảng cách đến TP cứ xa vời vợi. Những chuyến hàng hải sản, rau quả tươi sống vì thế cũng phập phồng nỗi lo hư hỏng bị trả về.

Vậy nên năm 2000, khi cầu Mỹ Thuận khánh thành, dân khắp xứ đồng bằng đã đổ xô về ăn mừng như trẩy hội. Đến năm 2010, cầu Cần Thơ thông xe, một lần nữa ghi dấu ấn lịch sử cho giao thông ĐBSCL khi quốc lộ chính thức liền một dải tới tận Cà Mau.

Có cầu lớn bắc qua sông Hậu, sông Tiền, người dân ĐBSCL lại mơ đến đường hai chiều, rồi cao tốc. Cho dù ước mơ đó có lúc tưởng chừng xa vời khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ vỏn vẹn 51,5 km nhưng ì ạch tới 13 năm trời mới hoàn thành.

Giờ đây, bức tranh cao tốc ấy đã thực sự thay đổi. Chỉ trong 2 năm qua, bằng sự quyết liệt từ Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, một mạng lưới giao thông đường bộ hiện đại, với những tuyến cao tốc cho ĐBSCL đang dần định hình. 120 km cao tốc đã xong, xe cộ bon bon lăn bánh; 428 km cao tốc khác đang hối hả thi công, dự kiến thông xe năm 2025.

Với miền Tây, hệ thống cao tốc hình thành không chỉ giúp khu vực thoát khỏi "vùng trũng" về giao thông mà còn kiến tạo không gian phát triển mới; từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư, mọc lên các khu đô thị, cụm công nghiệp, tăng cường liên kết vùng, tạo ra xung lực mới cho cả đồng bằng.

Tuy nhiên, xét ở phương diện nào đó, việc Chính phủ phải liên tục vào cuộc đốc thúc, tháo gỡ khó khăn cũng cho thấy vẫn còn những tồn tại trong triển khai các dự án. Tình trạng thiếu chủ động của địa phương, trông chờ từ các bộ, ngành khiến một số dự án còn chậm tiến độ.

Điển hình là khó khăn thiếu vật liệu cát, đá cứ lặp đi lặp lại dù đã có cơ chế đặc thù. Trong tháo gỡ khó khăn vẫn còn những trì trệ khi "một mình Tiền Giang một giá cát"; hay chuyện mỏ đá ở An Giang chậm khởi động lại, sự thiếu linh hoạt trong triển khai dự án nạo vét sông Vàm Nao... Cùng với đó là sự phối hợp với các địa phương ngoài vùng như Đồng Nai, Bình Dương trong cung cấp nguồn đá dăm cho cao tốc miền Tây còn nhiều ách tắc. Rõ ràng không có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những khó khăn trên sẽ còn kéo dài, tiến độ các dự án khó mà đảm bảo.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu, hơn bao giờ hết, nhiệm vụ xây dựng cao tốc thông suốt cho ĐBSCL cần được các địa phương, bộ, ngành đặt lên hàng đầu, là sứ mệnh thiêng liêng với người dân đồng bằng. Đó không chỉ là hiện thực hóa giấc mơ cao tốc cho miền Tây mà còn là sản phẩm cụ thể của khu vực này góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.