|
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố quyết định điều tra cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang về cáo buộc “vi phạm kỷ luật”, thuật ngữ ám chỉ tham nhũng, báo chí và dư luận nước này sục sôi bàn tán về khối tài sản kếch xù của ông Chu. Trên giấy tờ, bản thân Chu Vĩnh Khang “là công bộc của dân nên không giàu có gì” và không tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh của gia tộc. Thế nhưng, theo hồ sơ do tờ South China Morning Post (SCMP) thu thập được, với quyền lực và ảnh hưởng của mình, ông Chu đã xây dựng một đế chế kinh doanh khổng lồ do con trai, con dâu, sui gia, anh em và những đàn em thân cận trực tiếp nắm giữ. Nhóm lợi ích của Chu Vĩnh Khang được cho là sở hữu hoặc móc nối với ít nhất 37 công ty, tập đoàn trong nước và nước ngoài.
Đến nay vẫn chưa có thống kê chính xác về tài sản của nhóm Chu Vĩnh Khang nhưng Reuters dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ trong quá trình điều tra, nhà chức trách Trung Quốc đã tịch thu tiền mặt, đất đai, tài khoản… trị giá tổng cộng 14,5 tỉ USD. Nhiều người tin rằng con số này vẫn chưa phản ánh chính xác thực tế do có thể còn nhiều “của chìm của nổi” chưa bị sờ tới.
“Thái tử” Chu Bân
Trong hàng ngàn trang hồ sơ về việc kinh doanh của nhà Chu Vĩnh Khang mà SCMP có được, cái tên xuất hiện nhiều nhất là Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang. Theo báo chí Trung Quốc, những người từng “mắc nợ” Chu Vĩnh Khang về sự nghiệp chính trị hay kinh doanh đều răm rắp theo Chu Bân làm ăn, vận hành nhiều công ty, tập đoàn trong các lĩnh vực từ dầu khí, khai khoáng đến cả điện ảnh và truyền hình. Những người quen biết Chu Bân không mấy ấn tượng về kỹ năng kinh doanh của thiếu gia 42 tuổi này. Thế nhưng, chỉ trong vòng 10 năm, Chu Bân đã trở thành người điều hành một đế chế khổng lồ. Cụ thể, vào các năm 2003 và 2004, Chu Bân cùng mẹ vợ là Chiêm Mẫn Lợi lập 2 công ty nhỏ mang tên Beijing Zhongxu Sunshine Technology và Zhongxu Sunshine Energy Technology. Sau khi đã có được 2 công ty bình phong, Chu Bân lập tức móc nối với các cận thần của cha trong Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), chẳng hạn như ông Tưởng Khiết Mẫn để độc quyền các gói thầu, dự án cung cấp trang thiết bị, nguyên liệu… cho CNPC với những hợp đồng lên tới hàng tỉ USD. Hai công ty Zhongxu còn chuyên mua thầu các dự án nhà nước với giá thấp rồi bán lại với giá cao gấp mấy lần. Tính đến năm 2011, Zhongxu Sunshine Energy Technology có tổng tài sản trị giá 139 triệu nhân dân tệ (hơn 22,5 triệu USD) và lợi nhuận thường niên là 32,9 triệu nhân dân tệ.
Chưa hết, Chu Bân còn vươn bàn tay trục lợi đến tỉnh Tứ Xuyên, nơi ông Chu Vĩnh Khang từng làm bí thư từ năm 1999 - 2002, và thao túng các dự án trong ngành thủy điện, bất động sản, du lịch. Theo SCMP, Chu có quan hệ hợp tác mật thiết với Lưu Hán, người từng có tên trong danh sách những tỉ phú giàu nhất Trung Quốc. Trên thực tế, Lưu Hán là một trùm tội phạm khét tiếng, chiếm độc quyền nhiều ngành kinh doanh béo bở ở Tứ Xuyên và khu vực lân cận bằng các thủ đoạn triệt hạ đối thủ tàn khốc. Hồi tháng 5, người này đã bị tuyên án tử hình về nhiều tội danh như giết người và lãnh đạo băng nhóm kiểu mafia. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho hay Chu Bân có một thời gian dài sống ở Mỹ và cũng lập một số công ty tại nước này.
Em trai, em dâu đổi đời
Ngoài Chu Bân, 2 em trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh cũng hưởng lợi khổng lồ từ người anh quyền lực. Nhiều nguồn tin cho biết cả hai chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng đều “làm mưa làm gió” ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, quê của anh em họ Chu. Chu Nguyên Hưng chỉ là nhân viên kinh doanh cho một công ty rượu nhưng “hét ra lửa” với giới chức địa phương. Chu Nguyên Thanh thì leo lên tới chức Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường của một quận ở Vô Tích và là cầu nối cho nhiều quan chức cấp thấp muốn “hưởng ơn” với ông Chu Vĩnh Khang, theo tạp chí Tài Kinh.
Còn “lợi hại” hơn chồng, vợ Chu Nguyên Thanh là Chu Linh Anh nhảy vọt từ cửa hàng trưởng một cửa hàng bách hóa tổng hợp lên trùm xăng dầu, dĩ nhiên cũng là nhờ ảnh hưởng của ông anh chồng trong Thường vụ Bộ Chính trị. Theo tờ The New York Times, vài tuần sau khi Chu Vĩnh Khang bước vào ban lãnh đạo cao nhất Trung Quốc hồi tháng 12.2007, Chu Linh Anh cùng con trai lập Công ty Beijing Honghan Investment để làm ăn với CNPC bán khí đốt và đầu tư xây dựng một hệ thống trạm xăng dầu lớn ở miền đông Trung Quốc.
Đến nay thì Chu Bân, Chiêm Mẫn Lợi, Chu Linh Anh, Tưởng Khiết Mẫn… cùng hơn 300 người khác đang bị giam giữ và thẩm vấn để phục vụ cuộc triệt hạ “con hổ” lớn nhất trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Việc công bố quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang được cho là thành quả lớn nhất trong chiến dịch chống tham nhũng và củng cố vị thế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, bản thân ông Tập cũng cảnh báo rằng chiến dịch chống tham nhũng đang gặp bế tắc do sự đối đầu quyết liệt giữa hai “đạo quân” tham nhũng và chống tham nhũng. Tờ South China Morning Post dẫn lời giới quan sát cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay cho ông Tập là nguy cơ bị cô lập do động chạm đến nhiều nhóm lợi ích lớn trong giới kinh doanh và cả quân đội. |
Văn Khoa
>> Hé lộ nhiều bí mật của Chu Vĩnh Khang
>> Truyền thông Trung Quốc đặt nghi vấn Chu Vĩnh Khang giết người vợ đầu
>> Chu Vĩnh Khang ‘vui vẻ’ với trên 400 phụ nữ do thuộc cấp dâng tặng
>> Con trai của Chu Vĩnh Khang chính thức bị bắt giữ
>> Báo Đài Loan: 'Chu Vĩnh Khang từng cố ám sát Tập Cận Bình
Bình luận (0)