>> Đơn vị thi công và chủ đầu tư nhận lỗi vụ bé trai 1 tuổi chết thảm
>> Người dân bức xúc trước cái chết thảm của cháu bé 1 tuổi
Gần đây nhất là vụ việc cháu bé 1 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) tử vong do lọt xuống hố thi công công trình khiến người dân bức xúc.
Trước đó, tháng 8.2011, tai nạn thương tâm tại công trình xây dựng của Vinaconex - PVC ở Mễ Trì (H.Từ Liêm, Hà Nội) khiến 4 cháu bé thiệt mạng cũng làm cho dư luận rất bất bình.
Điểm chung của hai trong số nhiều vụ nhà thầu thi công ẩu gây tai nạn cho người dân nói trên, là sau đó, không thấy bên liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn phía người nhà nạn nhân, hoặc do quá đau buồn, hoặc đã được tác động, động viên như thế nào nên cũng không khởi kiện nhà thầu tắc trách.
|
Vụ việc cháu Trần Bảo Nguyên (1 tuổi) thiệt mạng do sa xuống hố công trình xây dựng cầu Đông Trù (P.Thượng Thanh, Q.Long Biên), chủ đầu tư là phía Ban quản lý dự án hạ tầng tả ngạn Hà Nội cũng đã nhận trách nhiệm và cho rằng “đây là sơ suất không mong muốn”.
Còn trong vụ hố công trình Vinaconex - PVC không rào chắn khiến 4 cháu nhỏ thiệt mạng tháng 8.2011, đến khi gia đình tổ chức lễ tang, vẫn không thấy chủ đầu tư, nhà thầu thi công có ý kiến.
Chỉ sau khi báo chí vào cuộc, phía Vinaconex - PVC mới lên tiếng nhận trách nhiệm về việc chưa có rào chắn công trình, nhưng vẫn cho rằng không phải đối mặt với trách nhiệm hình sự vì đó “chỉ là tai nạn, sẽ có trách nhiệm đền bù xứng đáng”.
Phía Sở LĐ-TB-XH Hà Nội ngay sau đó đã xác nhận, vụ việc này có phần lỗi từ phía chủ đầu tư, nhà thầu khi không làm tốt trách nhiệm về an toàn lao động.
Hai vụ việc nói trên chỉ là số ít trong số rất nhiều những tai nạn do nhà thầu xây dựng làm ẩu, vô trách nhiệm gây ra nhưng đều bị “chìm xuồng” và rơi vào quên lãng. Người nhà nạn nhân cũng không khởi kiện, nhưng dư luận rất bức xúc vì sự tắc trách, buông lỏng quản lý của các nhà thầu xây dựng nói trên.
|
Không ít độc giả của Thanh Niên Online băn khoăn đặt câu hỏi: Tham gia giao thông mà sử dụng điện thoại là có lỗi, nếu gây tai nạn là lỗi đặc biệt nghiêm trọng. Vậy vô trách nhiệm là có lỗi, mà gây hậu quả, nhất là gây chết người có phải vi phạm đặc biệt nghiêm trọng không? Dân bơm cát không trông nom để trẻ chết đuối thì bị xử lý hình sự, còn trường hợp nhà thầu thi công gây chết người thì không bị xử lý, đây cũng không phải lần đầu.
Trao đổi với Thanh Niên Online, luật sư Trịnh Cẩm Bình, Văn phòng Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đương nhiên thuộc về đơn vị thi công ẩu, tắc trách dẫn đến hậu quả. Trong trường hợp có gây ra thiệt hại về người, hành vi nói trên được cho là vô ý gây chết người, không làm tròn trách nhiệm và tuân thủ an toàn lao động gây hậu quả.
Luật sư Bình cho biết, tội vô ý gây chết người, theo quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
“Cũng giống như bác sĩ, khi chữa bệnh vô ý gây chết người thì phải chịu trách nhiệm”, luật sư Bình chia sẻ.
Theo bà Bình, lý do các vụ việc nói trên “chìm xuồng”, cũng có thể là người thân của nạn nhân không đấu tranh đến cùng. Mặt khác, khi các đơn vị thi công, nhà thầu đã nhận trách nhiệm, thì cơ quan có thẩm quyền cũng cần vào cuộc để xác định xem hành vi sai phạm đó ở mức nào, đã đủ truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa.
Lê Quân
Bình luận (0)