Không ít chia sẻ, tranh luận giữa các phụ huynh thể hiện sự băn khoăn, lo lắng, khó định hướng của các bậc cha mẹ.
Trường công hay tư, gần nhà hay gần nơi làm việc ?
Trẻ ở tuổi mẫu giáo và tiểu học là giai đoạn rất quan trọng để hình thành và phát triển thể chất, tư duy, nhân cách… nên cha mẹ nào cũng muốn con mình có bước khởi đầu thật tốt. Thế nên việc chọn trường công hay trường tư, trường điểm hay trường gần nhà… đang khiến phụ huynh suy tính.
Phải nhờ nhiều mối quan hệ, N.N (chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4) mới xin được cho con vào học lớp 1 tại một trường “điểm” không chỉ của Q.1 mà còn là mong muốn của khá nhiều phụ huynh tại TP.HCM. Thế nhưng phụ huynh này chuyển con về trường tiểu học gần nhà do thấy điều kiện gia đình khó kham nổi ở trường “điểm”.
“Thời điểm đó, bạn bè, người quen ai biết cũng tiếc rẻ, có khi chê trách sao tôi lại làm vậy với con. Có người còn nói trường nổi tiếng, ai cũng muốn cho con học thì không chịu, về trường “làng” học”, phụ huynh này kể lại. Đến nay con gái đã học THCS và chị N.N khẳng định việc lựa chọn lại là đúng đắn. Chị chia sẻ: “Thật may mắn, ở lớp học đầu tiên bé đã được học cô giáo lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, tạo hứng khởi trong học tập, tôi yên tâm với sự phát triển của con”.
tin liên quan
Có nên cho con học chuyên?Anh L.V.H (nhà 910, chung cư Ehome, Q.Bình Tân) nhớ lại khoảng thời gian tâm trạng bị dày vò khủng khiếp khi bắt buộc phải cho con học trường gần nhà, không có tiếng. Tuy nhiên, anh H. cho biết: “Đến hôm nay tôi thấy lựa chọn của mình hoàn toàn sáng suốt. Từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi sáng hai mẹ con đi bộ từ nhà đến trường, trưa mẹ đón về ăn cơm, nghỉ ngơi, chiều dậy học bài… Các năm học cháu đều trong tốp 10 học sinh xuất sắc của lớp, các chứng chỉ tiếng Anh đều hoàn thành theo mỗi khối lớp, không hề thua kém những bé con của đồng nghiệp đang học trường ở khu vực trung tâm…”.
Với mong muốn cho con học trường “điểm”, anh H.H.V (ở đường Tân Lập, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhất định chọn trường cách nhà hơn 10 km. Hằng ngày, bất kể nắng mưa, cô con gái nhỏ phải dậy từ 5 giờ 30 vệ sinh cá nhân, ăn sáng để ba chở đến trường cho kịp. Có ngày ngồi sau lưng ba, bé còn ngủ gật, giật mình liên tục. “Thật may tôi đã tỉnh ngộ đúng lúc. Có một ngày, khi gần hết năm lớp 1, tôi tự hỏi vậy con học cho ba hay học cho chính mình mà sao để con phải khổ vậy? Ngay sau đó, tôi xin cho con về học trường gần nhà, hằng ngày bé được ngủ thêm 1 tiếng và chẳng còn cảm giác lo sợ, mơ ngủ khi ngồi sau lưng ba”, anh V. kể lại.
Hãy là những cha mẹ sáng suốt
Nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ phụ huynh - học sinh, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trăn trở: “Lâu nay trong việc chọn trường học cho con, phần lớn phụ huynh chọn theo ý mình. Tiếng nói, nguyện vọng của con trẻ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong khi đó thực sự là nhu cầu chính đáng, cần được tôn trọng nhất của con ở thời khắc này”.
Từ đó, thạc sĩ Huân đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh đừng quên rằng con học cho chúng chứ không phải cho cha mẹ, và trường học là một trong những yếu tố quyết định hạnh phúc tương lai của con. Vì vậy, bằng cách nào đó khuyến khích trẻ thể hiện quyền được chọn trường, được đặt cho mình những viên gạch đầu tiên cho hạnh phúc và thành công sau này”.
Theo giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền, Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ở bậc tiểu học, thực ra kiến thức rất cơ bản, chủ yếu giúp trẻ làm quen với kỷ luật trường học, việc học tập quy củ. Điều quan trọng nhất ở cấp tiểu học là trẻ thích đến trường, tìm thấy niềm vui khi đi học và có thói quen học tập tốt. Vì thế, phụ huynh xác định mục tiêu trên thì cứ theo đó mà chọn trường.
Một trường học có thể phù hợp đứa trẻ này nhưng không phù hợp đứa trẻ khác. Phụ huynh là người hiểu con nhất nên cũng tùy theo đặc điểm của con mà chọn.
Bình luận (0)