Chiến dịch năm nay có chủ đề “Sống trẻ, văn minh - Tự tin đội mũ đạt chuẩn”, diễn ra từ 18.9 - 18.10, nhằm góp phần hạn chế chấn thương vùng đầu và tử vong khi tai nạn giao thông xảy ra, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức của thanh, thiếu nhi và người dân, hình thành nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông...
Trong năm 2014 - 2015, chiến dịch đã lan rộng khắp tại các TP lớn, với sự tham gia của hơn 9.000 đoàn viên, thanh niên, trang bị cho người dân 12.000 mũ bảo hiểm (MBH) đạt chuẩn. Nhưng những nỗ lực đầy ý nghĩa và nhân văn này lại có nguy cơ bị xói mòn bởi hằng ngày, ở nơi nọ nơi kia vẫn còn không ít cơ sở sản xuất MBH giả, kém chất lượng, vẫn không khó để bắt gặp những điểm bán MBH giả, rởm tràn lan khắp các vỉa hè ngay tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra có tới 60% MBH (tương ứng với hàng chục triệu chiếc MBH) của người đi đường không đạt chất lượng.
Câu chuyện MBH từng nóng lên cách đây vài năm khi dự định phạt hành chính với người tham gia giao thông đội MBH giả, không đúng quy chuẩn…, rồi nhanh chóng chìm dần khi dự định phạt này bị phản đối mạnh mẽ. Có hai vấn đề cần được làm rõ để thấy tại sao MBH giả lại vẫn ngang nhiên tồn tại: Thứ nhất, về phía người dân, ngoại trừ một số người chấp nhận mua MBH giả, rởm chỉ để đội đối phó, rất nhiều người muốn mua MBH đạt chuẩn nhưng không phân biệt nổi giữa một rừng MBH được làm giả tinh vi đến từng chiếc tem chất lượng CR. Bản thân người dân không phải là các chuyên gia về chất lượng MBH, việc mua phải MBH giả, không đạt chất lượng nhưng lại dán tem “xịn” rất dễ gặp phải. Thứ hai, lực lượng chức năng, trong đó có quản lý thị trường chưa làm tròn được chức trách khi vẫn để lọt lưới các cơ sở sản xuất MBH giả và tình trạng bán MBH giả, rởm tràn lan ngoài thị trường.
Câu trả lời quen thuộc của lực lượng quản lý thị trường khi được chất vấn về trách nhiệm với MBH giả là nhân lực mỏng, làm không xuể. Nhưng thực tế cuộc chiến chống MBH giả nhiều năm qua cho thấy, vai trò của cơ quan nắm cả sản xuất và tiêu thụ là Bộ Công thương rõ ràng đã không được thực hiện trọn vẹn. Nếu cơ quan quản lý việc sản xuất, tiêu thụ làm đúng, làm đủ chức năng từ giám sát khâu sản xuất đến thị trường, xử phạt thật nặng hành vi sản xuất, tiêu thụ mũ giả thì chắc chắn MBH giả, kém chất lượng không thể còn đất sống ngang nhiên như hiện nay.
Vì vậy, để một chiến dịch ý nghĩa, nhân văn như Chiến dịch truyền thông toàn dân đội MBH đạt chuẩn lan tỏa, hiệu quả trọn vẹn, cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành. Trong đó, cuộc chiến chống MBH giả, kém chất lượng phải quyết liệt hơn, những hành vi vi phạm phải được thực thi bằng pháp luật, xử lý bằng các chế tài hành chính và kinh tế.
Bình luận (0)