Để có bữa ăn an toàn

20/04/2019 07:19 GMT+7

Năm 1999 là năm đầu tiên phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm ở VN. Nếu tính cả tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay mới phát động thì tròn 20 năm.

Những năm qua, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều cố gắng bước đầu. Tuy nhiên, nghiêm túc mà đánh giá, suốt 19 năm, câu chuyện về ATTP vẫn là vấn đề nóng bỏng và cấp bách ở thị trường nội địa VN.
Nỗi lo canh cánh hằng ngày của các gia đình vẫn còn tồn tại và dai dẳng chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt. Số vụ việc mất ATTP năm 2018 tăng gấp 1,4 lần so với 2017, thậm chí một đại biểu Quốc hội đã thốt lên: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa rất gần!”.
Vậy chúng ta phải làm gì để tháng ATTP không còn là hình thức? Phải giải quyết bài toán này một cách quyết liệt, khoa học và bài bản mới mong từng bước giải quyết quốc nạn này.
Trước hết về mặt nhận thức, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng phải coi đây là mặt trận nóng bỏng để tích cực giải quyết từng ngày, từng giờ, từng địa phương, từng doanh nghiệp, không nơi nào bị buông lỏng; không làm theo kiểu hình thức trống giong, cờ mở...
Về sản xuất, là cái gốc của thực phẩm sạch, cần tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã công bố. Sản xuất phải gắn với hệ thống phân phối thành chuỗi khép kín, có địa chỉ cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm sản xuất qua các công đoạn và tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Hệ thống phân phối cần kết nối chuỗi với các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, kinh doanh có trách nhiệm mở cửa hệ thống bán lẻ một cách rộng rãi, không phiền hà, tốn chi phí, chiết khấu, chi phí bôi trơn, để sản phẩm sạch có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Thực phẩm có hàng chục nghìn mặt hàng trên thị trường, thực sự là chúng ta chưa đủ sức để quản lý tất cả. Do đó hãy tập trung nhân lực, tài lực, vật lực để quản lý tốt một số mặt hàng có khối lượng tiêu thụ lớn, thiết yếu nhất cho đời sống xã hội nhưng hay xảy ra mất vệ sinh ATTP như gạo, thịt, cá, rau, hoa quả.
Nếu làm được tốt các mặt hàng nói trên, sẽ tiếp tục nhân rộng ra các mặt hàng khác, làm đâu chắc đó. Về kỷ luật thị trường, cần có những chính sách tốt, hợp lý để khuyến khích những cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm sạch; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tái phạm, biết bẩn và kém chất lượng mà vẫn sản xuất và tiêu thụ, gây hại tới người tiêu dùng.
Các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra thị trường cần có đủ số lượng, trang bị kỹ thuật đầy đủ và sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt đạo đức công vụ phải đưa lên hàng đầu. Chấm dứt những hiện tượng tiêu cực, bảo kê mà lơ là với sức khỏe của toàn xã hội, để một bộ phận xấu lợi dụng tung ra thị trường những thực phẩm bẩn (kể cả hàng nội địa và nhập khẩu).
Cần phải có những đánh giá, sơ kết từng đợt kiểm tra để rút kinh nghiệm cho những kỳ tiếp theo. 12 tháng trong 1 năm phải là 12 tháng đảm bảo vệ sinh ATTP.
Cái đích cuối cùng để chúng ta phấn đấu, đó là những miếng thịt, ngọn rau, khúc cá, bát cơm của mỗi gia đình đều luôn luôn đảm bảo chất lượng để mọi người yên tâm sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.