Tại sao 'chầm chậm'?

17/04/2019 04:44 GMT+7

Không có “vùng cấm” trong xử lý chống tiêu cực không thể chỉ liên quan đến các đại án, mà phải được hiểu là một nguyên tắc hành xử hiển nhiên của chính quyền trong tất cả các xử lý sai phạm dù lớn dù nhỏ.

Thử nghĩ xem, gần đến mùa tuyển sinh 2019 rồi, mà chuyện “sập trời” nâng điểm tuyển sinh năm 2018 vẫn cứ xử lý né tránh vòng quanh kiểu không công khai danh tính người mua điểm, không cung cấp danh sách thí sinh “bị” nâng điểm.
Thử nghĩ xem, chuyện “động trời” như chuyện ông nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Đà Nẵng có dấu hiệu hành vi dâm ô với trẻ em trong thang máy mà chuyện tự dưng “êm êm”, chẳng thấy phản ứng gì tiếp theo từ nhà chức trách trong khi dư luận cứ nóng rần rần!
Cách phản ứng “chầm chậm” rất khó hiểu như thế liên quan đến xử lý gian lận điểm thi tuyển sinh 2018 thật ra trong suy nghĩ của người dân chắc không quá khó hiểu. Là vì những người có thể dàn xếp được chuyện mua điểm nâng điểm tuyển sinh chắc chắn chẳng phải “dạng vừa” ở địa phương. Phải là những người hoặc có chức có quyền, hoặc có tiền có của ở địa phương. Hoặc có cả hai. Nên mới có chuyện xử lý “chầm chậm”, công bố “từ từ”. Chứ nếu chẳng phải thế thì có khi danh tánh từ người mua điểm đến thí sinh được nâng điểm chắc đã công bố rành rành.
Ngay các trường đại học đã được xác nhận là đang có những sinh viên hưởng nâng điểm theo học thì lạ thay, họ cũng bị tước mất một quyền tối thiểu trong tuyển sinh đầu vào. Đó là quyền được biết những trường hợp liên quan đến gian lận điểm tuyển sinh vào trường của chính họ. Chẳng thể nào chấp nhận chuyện như đại diện Học viện Tài chính cho biết: “Theo chỉ đạo của Bộ, chúng tôi gửi công văn cho 2 sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La, nhưng hiện nay chỉ mới nhận được văn bản trả lời của Hòa Bình. Còn Sơn La thì mãi không thấy hồi âm, gọi điện không ai nghe máy. Hôm trước chúng tôi lại điện cho Bộ xin ý kiến chỉ đạo, Bộ nói là cứ yên tâm, thể nào Sơn La cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin. Vậy là chúng tôi lại chờ”.
Kiểu xử lý “êm êm” đến mức khó hiểu trong vụ ông nguyên Viện phó Viện Kiểm sát Đà Nẵng có dấu hiệu hành vi dâm ô trẻ em thật ra cũng chẳng có gì khó hiểu. Đơn giản, ông ấy không phải là “cựu thường dân”. Vẫn biết “quan nhất thời, dân vạn đại”, nhưng cái “nhất thời” làm quan ấy của ông ta vẻ như cũng đủ để làm “chầm chậm”, làm “êm êm” tình hình xử lý vụ việc.
Không phải là nhà chức trách không có khả năng xử lý nhanh, dứt khoát những vụ việc vi phạm pháp luật nổi cộm gây bức xúc xã hội. Mới đây, chỉ sau 4 ngày kể từ lúc Công an Q.Thanh Xuân (Hà Nội) nhận thông tin trình báo vụ 2 bé gái bị một đối tượng lạ mặt thực hiện hành vi dâm ô trong ngõ vắng, nghi phạm đã bị triệu tập. Và chỉ thêm 3 ngày nữa là hoàn tất hồ sơ điều tra.
Vậy thì tại sao lại “chầm chậm” công bố thông tin điều tra vụ nâng điểm tuyển sinh? Vậy thì tại sao lại “êm êm” giải quyết vụ dâm ô trẻ em trong thang máy?
Những lúc như thế này, những vụ việc bức xúc dư luận vừa nêu - chính là thời điểm, cơ hội để xây dựng niềm tin của người dân vào bộ máy thừa hành pháp luật, vào những quyết tâm của chính quyền. Xử lý nghiêm, dứt khoát, minh bạch, nhanh chóng chính là dân vận - là tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn cả ngàn lần những cách bình thường. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.