Cách người Thái đang làm

15/04/2019 05:01 GMT+7

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Thái Lan kêu gọi cơ quan ngoại giao của nước này ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia... giúp đỡ nông dân xúc tiến, quảng bá thương mại ...

Trong hội nghị trực tuyến với đại diện ngoại giao Thái Lan ở nước ngoài mới đây, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Thái Lan kêu gọi cơ quan ngoại giao của nước này ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia... giúp đỡ nông dân xúc tiến, quảng bá thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang những thị trường này vì nguồn cung nội địa dự báo vượt so với nhu cầu.
Tại VN, việc các tham tán thương mại, đại diện ngoại giao ở nước ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch... cho các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành nghề... thì nhiều nhưng trực tiếp đến nông dân, đến từng loại trái cây, rau củ thì rất hiếm. Trong khi một năm chúng ta có rất nhiều nông sản rơi vào tình trạng ế đồng, dội chợ, thậm chí phải đổ bỏ cho bò ăn hoặc bỏ không thu hoạch trên ruộng khiến người nông dân lao đao vì khó khăn, nợ nần. Đặc biệt, các chương trình giải cứu nông sản của chúng ta chủ yếu dựa vào nội lực, kêu gọi người tiêu dùng trong nước chung tay hỗ trợ khi đã xảy ra khủng hoảng thừa hoặc vì lý do gì đó khiến một loại nông sản không bán được chứ chưa chủ động dựa trên dự báo cung - cầu như cách Thái Lan đang làm.
Ví như ngay tại thời điểm này, Rabobank dự báo, giá thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy sản và thậm chí cả thịt nhân tạo - có thể sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu mà căn nguyên bởi dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc. VN không có thế mạnh về xuất khẩu các loại thịt nói chung nhưng chúng ta là một trong những nước xuất khẩu thủy sản mạnh trên thế giới. Vậy ngành nông nghiệp có nên đưa ra dự báo, định hướng cho ngành nuôi trồng trong nước về xu hướng, về giá? Các cơ quan xúc tiến thương mại có cần chủ động kết nối với các đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài nhằm quảng bá, kết nối với các thị trường có nhu cầu để giúp bà con nông dân, giúp DN đẩy mạnh bán hàng như cách Thái Lan đang làm? Hay chúng ta cứ kệ, lại đợi khi nhu cầu thế giới tăng cao, giá các loại thủy hải sản tăng cao rồi thở dài nuối tiếc vì cơ hội đã chuyển sang cho các nước biết chớp thời cơ?
Ngoài tính chủ động, một điểm yếu của ta là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan mà vẫn mạnh ai nấy làm nên chưa phát huy tối đa hiệu quả. Thế nên trong nước, trái cây, rau củ ế đầy thì chính các loại nông sản này vẫn được nhập rất nhiều vào VN từ các nước láng giềng bên cạnh cho tới các nước phát triển.
Chúng ta mất rất nhiều tâm sức, thời gian để tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng nội địa. Nếu chủ động hơn trong công tác dự báo, cập nhật tốt diễn biến thị trường trong nước và thế giới, phối hợp với các cơ quan xúc tiến, kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài... để quảng bá, xúc tiến kịp thời thì chắc chắn vấn nạn "giải cứu" nông sản sẽ giảm bớt, người nông dân bớt khổ và hoạt động của các cơ quan liên quan sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với cách làm đơn lẻ hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.