Những ngày đầu, giáo viên (GV) và học sinh (HS) lo lắng với quy định đề cho ngữ liệu là các văn bản ngoài sách giáo khoa vì sợ HS không làm bài được, do đã quen với cách kiểm tra cũ là "học gì, thi nấy".
Thế nhưng lo lắng ấy đã không còn được quan tâm nữa, khi mà cách đổi mới hình thức kiểm tra này đã đem đến rất nhiều tích cực. Từ những bài kiểm tra đầu là cho 2 ngữ liệu (một trong sách giáo khoa và một ngoài sách giáo khoa) để HS tự chọn, đến nay hầu hết GV văn ở nhiều trường THCS đã mạnh dạn cho văn bản hoàn toàn ngoài chương trình. Một nữ GV dạy văn tại Trường THCS Âu Lạc, Q.Tân Bình, TP.HCM nhận xét: "Các em làm bài được và thích thú".
Quan sát và đối chiếu cách học ôn thi môn văn của HS khối lớp 11 và 12 theo chương trình cũ với lớp 10 theo chương trình mới cũng thấy sự khác biệt rất lớn. Trong khi HS lớp 11, 12 chú trọng đến kiến thức từng bài học, thì lớp 10 lại lưu ý tri thức kiểu bài và kỹ năng làm bài. Trong khi các em lớp 11, 12 cứ kè kè tài liệu, bài văn mẫu khi vào phòng thi, thì các em lớp 10 không còn thấy thực trạng này. Việc vi phạm nội quy kiểm tra do sử dụng tài liệu của HS lớp 10 cũng bị triệt tiêu thấy rõ.
Tuy nhiên, việc ra đề kiểm tra môn văn theo chương trình mới vẫn còn nhiều bất nhất và bất hợp lý, như hình thức câu hỏi (trắc nghiệm hay tự luận), thang điểm giữa phần đọc hiểu và làm văn, có sự tích hợp giữa văn bản phần đọc hiểu với phần làm văn hay không. Hoặc yêu cầu của các câu hỏi có bám sát tri thức ngữ văn chương trình mới không, hay vẫn với cách hỏi cũ về đọc hiểu văn bản. Hoặc là văn bản đọc hiểu quá sức với HS, gây khó cho các em khi làm bài.
Từ thực tế trên, để đề văn không gây "sốc" cho HS, khi kiểm tra cần điều chỉnh theo hướng sau.
Với thời gian làm bài 90 phút, không nên cho văn bản quá dài. Văn bản cần chọn là các tác phẩm hiện đại, chủ đề gần gũi với lứa tuổi của các em. Văn bản có nội dung rõ ràng, không cần thiết phải có triết lý sâu sắc, đa tầng nghĩa. Nên chọn các văn bản của các tác giả có tác phẩm được học trong nhà trường là phù hợp nhất. Văn bản nhất thiết phải có ý nghĩa giáo dục, phải rút ra được các bài học cần thiết cho cuộc sống và có tính thẩm mỹ, nghệ thuật.
Về cách yêu cầu, các câu hỏi phần đọc hiểu nhất thiết phải bám sát kiến thức ngữ văn theo thể loại của các bài học (như thơ, truyện, nghị luận...). Các câu hỏi không nên quá khó, cũng không nên quá đơn giản, tăng dần độ khó và số lượng vừa phải. Đặc biệt, cần chú ý đến sự hài hòa giữa phần đọc hiểu và phần làm văn nếu đề kiểm tra có sự tích hợp. Nếu không, ở phần làm văn sẽ có sự trùng lặp ý với phần đọc hiểu. Và chính phần đọc hiểu nhiều khi là gợi ý đáp án cho HS làm bài phần làm văn.
Nếu văn bản là của tác giả có học trong chương trình sách giáo khoa thì không cần có chú thích thông tin (tác giả, tác phẩm) thêm vào đề. Còn nếu văn bản của tác giả mới hoàn toàn cần phải có thông tin này đầy đủ, kể cả việc chú giải các từ ngữ khó hiểu.
Bình luận (0)