Vạn sự khởi đầu nan
Theo chủ đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư trên 155,3 tỉ đồng, trong đó tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỉ đồng, vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng 71 tỉ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 32,6 tỉ đồng… Nhà máy xử lý rác chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7.2015, trong năm đầu tiên, nhà máy chỉ nhận được mức giá hỗ trợ xử lý rác của tỉnh Lâm Đồng 129.500 đồng/tấn rác, trong khi chi phí thực tế khoảng 418.000 đồng/tấn, nên phải bù lỗ mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng.
Trong 2 năm đầu nhà máy chỉ vận hành 1 dây chuyền, nhưng lượng rác phải tiếp nhận 180 tấn/ngày, dịp lễ tết tăng lên 250 tấn/ngày, trong khi công suất 1 dây chuyền chỉ 100 tấn/ngày, dẫn tới rác tồn dư lớn lên tới hàng ngàn tấn. Mặt khác do thu không đủ chi, thiếu tiền trả tiền điện, trả lương cho công nhân, nên không ít công nhân bỏ việc… Nhiều lần nhà máy phải tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ, nên rác của TP.Đà Lạt phải đưa trở lại bãi rác Cam Ly để xử lý chôn lấp và đã gây ra sạt trượt “núi rác” vào mùa mưa; bốc cháy vào mùa nắng nóng, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
|
Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt (Nhà máy xử lý rác) đặt tại Tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), do Công ty TNHH môi trường Năng Lượng Xanh (TP.HCM) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô rộng 28 ha, tổng kinh phí đầu tư 381 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2011. Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (Bộ Quốc phòng) là đơn vị tư vấn, đồng thời trực tiếp thiết kế, lắp đặt và thi công. Quá trình đầu tư được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 gồm các hạng mục quan trọng như dây chuyền phân loại, xử lý rác thải quy mô 200 tấn/ngày đêm, lò đốt rác thải và nhà máy chế biến phân vi sinh, nhà điều hành, trạm cân, hệ thống giao thông, cây xanh…
|
Đà Lạt hết ám ảnh “vấn nạn” rác thải!
Từ năm 2017, đơn giá xử lý rác tỉnh Lâm Đồng duyệt cho Nhà máy xử lý rác tăng lên 336.000 đồng/tấn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với TP.HCM và các tỉnh lân cận khiến nhà máy vẫn phải bù lỗ. Đến tháng 2.2018 thì được nâng lên 456.000 đồng/tấn. Từ khi đơn giá xử lý rác hợp lý, nhà máy mạnh dạn đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền phân loại, xử lý rác thứ 2; nhà máy không phải nợ tiền lương của công nhân. Ông Cao Văn Bé - người điều hành Nhà máy xử lý rác Đà Lạt, cho biết từ đầu năm 2021, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đơn giá xử lý rác 461.000 đồng/tấn, cũng là lúc 2 dây chuyền phân loại xử lý rác vận hành suôn sẻ, nhờ đó việc tiếp nhận và xử lý rác của nhà máy vận hành tốt hơn.
|
Ông Bé cho biết, hiện nay nhà máy có gần 70 công nhân, trong đó có 8 lái xe, điều khiển máy móc, đang vận hành 2 dây chuyền xử lý rác. Lực lượng công nhân chia làm 3 ca hoạt động 24/24, xử lý được khoảng 270 tấn rác/ngày đêm (vượt công suất thiết kế giai đoạn 1). Bình thường mỗi ngày lượng rác Công ty cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt chuyển đến từ 180 - 210 tấn/ngày, vào dịp cuối tuần, lễ, tết lượng rác đưa về tăng thêm từ 30-60 tấn/ngày. Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021 lượng rác chuyển về tăng gấp 3 đến 4 lần, cao điểm ngày 30 tết thu gom đến Nhà máy rác Đà Lạt tới 900 tấn. Ông Phạm Văn Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết sau hơn 5 năm vận hành, từ đầu năm 2021 thì Nhà máy xử lý rác mới tiếp nhận và xử lý suôn sẻ lượng rác của công ty thu gom và chuyển đến, không còn cảnh chở rác đến bãi rác Cam Ly xử lý chôn lấp như trước đây.
Ông Cao Trí, đại diện Nhà máy xử lý rác cho biết thêm, đầu tháng 4.2021, nhà máy nhập thêm nhiều máy móc hiện đại từ Đức, sử dụng công nghệ Green-entec để xử lý chất thải rắn, đây là công nghệ xử lý không chôn lấp và có sản phẩm phụ kèm theo như gạch block, dầu PO&RO… để tăng thêm nguồn thu cho nhà máy.
|
Đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc Nhà máy xử lý rác TP.Đà Lạt đi vào hoạt động ổn định là giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết “vấn nạn” rác thải của TP.Đà Lạt, đồng thời góp phần xây dựng môi trường thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. Cũng theo đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND TP.Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh trong việc xử lý chất thải rắn. Việc này nhằm bảo đảm chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Nhà máy xử lý rác Đà Lạt đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng, đáp ứng các yêu cầu công nghệ và quy chuẩn mội trường theo quy định hiện hành.
Bình luận (0)