Dưới đây là những “bật mí” cách làm bài hiệu quả của chính các bạn trẻ từng đạt điểm cận tuyệt đối khi tham gia kỳ thi Anh ngữ quốc tế.
Luyện từng kỹ năng
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Trần Thị Mỹ Linh - SV trường ĐH Quốc tế TP.HCM (là 1 trong 30 thí sinh đạt được trên 8.0 điểm kỳ thi IELTS do Hội đồng Anh tổ chức vừa qua) cho biết: “Học từ vựng cũng phải có cách để mau nhớ và nhớ lâu. Mình chọn cách học từ ngữ theo chủ đề, khi đó sẽ dễ nhớ và có vốn từ phong phú”.
|
Trong khi đó, Lê Minh Dũng - SV trường ĐH Kiến trúc TP.HCM lại có cách học từ vựng rất riêng: “Mỗi ngày mình cố gắng nhớ ít nhất 5 từ. Khi học một từ mới bao giờ mình cũng học trong một ngữ cảnh nhất định, kèm câu nói hoặc đoạn văn. Bên cạnh đó, trong quá trình học, đọc tài liệu hoặc xem phim nếu nhìn thấy một từ mới mà mình không đoán được nghĩa trong ngữ cảnh thì phải dùng từ điển tra để cập nhật ngay”.
Cả Linh và Dũng đều đạt được điểm cao trong kỳ thi IELTS (8.0/9.0 điểm), nhưng Linh đạt điểm tuyệt đối ở kỹ năng đọc còn Dũng lại đạt điểm tuyệt đối ở kỹ năng nghe. Dũng tâm sự: “Để luyện nghe không nhất thiết phải ngồi vào bàn học, mở máy và sách để nghe theo bài. Thay vào đó, mình chọn cách luyện nghe bằng xem phim và ca nhạc quốc tế. Ban đầu, mình chọn những phim có phụ đề tiếng Anh để xem và hiểu cách hành văn. Đến khi bắt nhịp được rồi thì không cần phụ đề nữa để khỏi bị phụ thuộc. Bên cạnh đó, mình thường giao lưu với các bạn bè người nước ngoài qua chat, facebook để nâng cao kỹ năng giao tiếp của mình”.
Trong khi đó, Linh luôn tạo cho mình một môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên. “Mình luôn có một cuốn sổ nhỏ và cây bút trong túi. Mỗi khi bắt gặp một câu nói hay, một cấu trúc lạ thì chép ngay vào để học hỏi”, Linh cho biết.
Thi cũng cần… mẹo
Theo Mỹ Linh, mỗi kỳ thi có những yêu cầu riêng và mình phải hiểu rõ về kỳ thi đó để chuẩn bị cho tốt. Bên cạnh đó, dành thời gian để làm các bài thi mẫu theo đúng quy định thời gian là việc làm cần thiết để hoàn thiện kỹ năng làm bài của mình. Làm bài càng nhiều thì càng rút ra được nhiều mẹo hay. Mỹ Linh ví dụ: “Vào phòng thi, trước một bài thi nghe thì nên tận dụng thời gian cho phép để đọc trước các câu hỏi và dự đoán phần để trống là dạng từ nào, nghĩa gì. Từ đó, khi nghe mình chỉ tập trung vào nhóm từ ngữ được khoanh vùng thì mới dễ tìm ra câu trả lời. Còn để đạt được điểm cao trong kỹ năng viết mình cần phải thể hiện được sự phong phú và đa dạng về từ vựng và cấu trúc sử dụng, đặc biệt hạn chế sử dụng ngôn ngữ thông thường. Khi thi nói cũng nên dùng những cấu trúc câu linh hoạt, tập trung trả lời đúng câu hỏi để hạn chế việc hỏi lại khi giao tiếp nhằm tránh bị trừ điểm”.
Trong khi đó, Trần Thiên Trang - nhân viên Lãnh sự quán Úc, cũng là một thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi, đưa ra lời khuyên: “Trong bài thi có những từ ngữ chưa gặp bao giờ cũng là chuyện bình thường. Trong trường hợp đó, mất thời gian để cố gắng dịch ra nghĩa tiếng Việt rõ ràng không phải là biện pháp hay, thay vào đó nên tìm câu trả lời hợp lý nhất. Khi trả lời giám khảo trong bài thi nói, cố gắng làm sao không để thời gian “chết” mà thay vào đó sử dụng những câu nói để kéo dài thời gian trong khi tìm câu trả lời như “đó là câu hỏi thú vị” hoặc “tôi chưa bao giờ gặp một câu hỏi khó đến thế nhưng theo tôi…”. Đặc biệt, khi trả lời không chỉ chú trọng vào cách phát âm đúng mà còn cần biểu cảm, phải truyền tải được những ý tưởng hay, mới lạ. Khi đó, chắc chắn giám khảo sẽ không thể từ chối cho bạn điểm số cao”.
Hà Ánh
Bình luận (0)