Xây dựng chuyên đề
Khoảng thời gian còn lại như hiện nay không thích hợp với việc ôn kiến thức dàn trải mà nên hệ thống thành chuyên đề, bám sát với cấu trúc đề thi.
Trước hết, từ những tác phẩm văn học trong chương trình, học sinh (HS) xây dựng thành các chuyên đề “và đừng quên đặt tên một cách mỹ miều để việc học văn không còn khó khăn”. Chẳng hạn từ những tác phẩm thơ trong chương trình, HS hệ thống thành chủ đề “Khám phá khu vườn thơ” với những nội dung trọng tâm cần ôn tập kỹ trong 5 bài, những điều cần lưu ý về tác giả Quang Dũng, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo.
Phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm caoĐể giúp HS có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như đạt kết quả cao nhất khi tham gia xét tuyển ĐH, CĐ, Báo Thanh Niên đang phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao năm 2021.
Chương trình được phát sóng vào các khung giờ cố định 18 giờ 30 và 20 giờ 30 từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần trên các kênh thông tin thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Chương trình bao gồm 88 clip dưới dạng các chuyên đề ôn tập theo định hướng 9 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong các chuyên đề ôn tập, mỗi giáo viên phụ trách bộ môn sẽ đưa ra những câu hỏi theo định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT. Việc này giúp HS kiểm tra lại kiến thức, đồng thời làm quen với cách làm bài, rèn kỹ năng tìm đáp án trắc nghiệm một cách nhanh, chính xác nhất.
|
Đối với những tác phẩm truyện ngắn, HS nên ôn nhanh 5 truyện ngắn lớp 12. HS nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các tác phẩm cần ôn kỹ như: Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Ngoài việc chỉ ra những thông tin hay và ngắn gọn về tác giả thì nên đưa ra những nội dung về nhân vật, chi tiết, tình huống truyện, các đoạn văn cần lưu tâm. Cũng nhấn mạnh HS cần ôn thật kỹ một số truyện ngắn ở chương trình học kỳ 2 và tránh tự ý bỏ tác phẩm nào theo suy đoán chủ quan hoặc nghe theo lời đồn thổi trên mạng xã hội.
Chuyên đề tiếp theo cũng có thể đặt tên là “Ôn nhanh vở kịch nói Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Trong chuyên đề này, HS nên chỉ ra một số điều cần ghi nhớ về nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ, hoàn cảnh sáng tác vở kịch nói kinh điển này. Trong đó nên tập trung vào 3 bi kịch tương ứng với 3 màn đối thoại của Trương Ba trong cảnh 7 của vở kịch. Cần rút ra được giá trị nhân văn và thông điệp sâu sắc từ vở kịch, không chỉ để thi mà còn để biết cách sống đẹp và sống hạnh phúc.
Chuẩn bị kỹ năng
Từ cấu trúc đề thi môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT, HS cần chuẩn bị kỹ năng đọc hiểu nhanh, chính xác, đạt điểm tối đa. Trong đó, HS cần tìm ý chính xác, trình bày bài đọc hiểu sáng rõ, khoa học tạo cảm hứng cho người chấm bài.
Các em nên lưu ý đề cho viết một đoạn văn, như vậy trước hết phải đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn, có thể là diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành... Tuy nhiên, HS nên sử dụng cấu trúc tổng phân hợp thì đoạn nghị luận của mình sẽ hoàn chỉnh, rõ ràng hơn.
Thí sinh cần chuẩn bị là xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Cần làm quen qua các đề bài giáo viên cho trong quá trình học và các đề tham khảo, đề thi những năm trước bằng cách đọc kỹ đề, khoanh tròn lại những từ khóa, then chốt để những câu đầu tiên trong bài viết của mình cần trích được cụm từ hoặc từ khóa quan trọng trên.
Đặc biệt, phần triển khai vấn đề cần nghị luận chiếm dung lượng lớn trong bài. HS cần trả lời xoáy vào câu hỏi của đề, tránh viết tắt, văn nói, tuyệt đối chú ý không sử dụng ngôn ngữ tuổi “teen”. Và để đảm bảo đúng yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, trong quá trình ôn tập HS nên thực hiện bài viết trong khoảng từ 20 đến 25 dòng giấy thi. Bên cạnh đó, cũng nên canh thời gian để viết đoạn văn 200 chữ không quá 30 phút, tránh việc ảnh hưởng đến thời gian làm bài nghị luận văn học còn lại.
Bình luận (0)