Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã hát Mưa rơi, một bài dân ca Khơ Mú, trong ngày giới thiệu album Rạng đông của mình hồi tháng 3 vừa qua. Một bài dân ca, lại được anh hát một cách rất phóng khoáng, kết hợp cùng trống miệng (beatbox) của Nguyễn Bảo Trung, nhờ đó, bài hát khoác lên vẻ hiện đại, dễ gần. Những kết hợp bất ngờ giữa nhạc cụ dân tộc, âm nhạc dân tộc với những cách phối rất world music như thế bàng bạc trong album Rạng đông. Tinh thần này khiến âm nhạc dân tộc, âm nhạc mang âm hưởng dân tộc mang tinh thần hiện đại, và trở nên gần hơn với người trẻ, với gen Z.
Trong khi đó, ở một không gian cổ truyền của phường xoan Thét (một trong 4 phường xoan gốc tại TP.Việt Trì, Phú Thọ), nhạc sĩ Nguyễn Quang Long miệt mài thực hiện dự án giới thiệu 16 bài xoan cổ, được thu mộc đúng kiểu của ông cha ngày xưa, gồm 3 bài thuộc chặng hát thờ và 13 bài thuộc chặng quả cách. Chặng hát quả cách này vốn là chặng quan trọng nhất của hát xoan. Ông Long cũng sản xuất một clip Về đất Tổ nghe xoan ghi lại cuộc trò chuyện với các nghệ nhân. Ông Nguyễn Quang Long tự hào: "Các nghệ nhân vẫn đi làm, rồi về lại luyện tập, lại hát xoan, bảo tồn hát xoan. Tôi mừng nhất là họ yêu xoan, người già truyền dạy cho người trẻ".
Một dự án khác cũng phải nhắc tới là dự án nghiên cứu bảo tồn nghệ thuật hát ả đào của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VICAS). Sau những nghiên cứu kéo dài cả chục năm, ông đã tìm thấy bài bản của ca trù, nhờ đó, việc truyền dạy nghệ thuật này trở nên thuận lợi hơn. Nhiều lớp học cũng đã được tổ chức. Người tiếp nối nghệ thuật vì thế cũng được nhân lên.
Những dự án để di sản âm nhạc truyền thống "sinh sôi" như vậy hiện có nhiều dạng thức. Có dự án được sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng có dự án do cá nhân tự tìm cách vận hành. Bên cạnh truyền dạy âm nhạc truyền thống, dự án về ả đào còn ra sách dựa trên nghiên cứu của ông Bùi Trọng Hiền. Nhà nghiên cứu này chia sẻ: "Khác với cuốn Âm nhạc cồng chiêng Tây nguyên (cũng của ông Hiền - NV) do nhà nước đặt hàng, sách Ả đào in lần này thuộc dạng sách thương mại. Nhuận bút được thỏa thuận trả bằng… sách", ông cho biết. Thêm vào đó, dự án về ả đào này cũng vẫn có phần tài trợ nhà nước khi phần nghiên cứu là đề tài của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia. Nghĩa là ông Bùi Trọng Hiền phải linh hoạt các nguồn lực để nghiên cứu, thực hành, ra sách được đi đến đích.
Với dự án của ông Nguyễn Quang Long, sự vận hành cũng linh hoạt như vậy. Ông Long có một phần thực hiện nghiên cứu xoan qua dự án của Bộ VH-TT-DL, nhưng việc thực hiện quay các tư liệu, các bài bản sau này lại do ông vì quá yêu mà "tự bơi" đi làm. Dự án của Ngô Hồng Quang thì có nguồn tiền hoàn toàn cá nhân, chưa hề tiếp cận nguồn tài trợ nhà nước nào.
Có thể thấy, dù đem lại nhiều thành tựu qua việc phát triển người thực hành nghệ thuật dân tộc, song các nguồn lực cho việc bảo tồn vẫn còn chưa mạnh và cố định. Điều này dẫn đến thực trạng các dự án chưa thực sự bền vững. Thực tế này cũng đưa ra đòi hỏi mau chóng có những quỹ hỗ trợ nghệ thuật dân tộc. Chỉ có vậy, các dự án liên quan đến âm nhạc dân tộc mới được "chắp cánh".
Bình luận (0)