Đề Địa lý: Dễ làm nhưng khó đạt điểm cao

03/06/2011 10:35 GMT+7

** Một nữ sinh bị đâm trước giờ thi (TNO) Tính đến chiều nay 3.6, các thí sinh (TS) đã thi xong 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Buổi thi Địa lý sáng nay đã kết thúc với mức độ hài lòng vừa phải của các TS. Theo nhận xét chung của nhiều TS, đề Địa năm nay vừa sức nhưng đạt điểm cao thì phải học sinh khá giỏi mới có thể hy vọng.

>> Gợi ý giải đề thi môn Địa lý
>> Gợi ý giải đề thi môn Vật lý
>> Gợi ý giải đề thi môn Văn

Hà Nội: Phát hiện thêm nhiều "phao" thi

Ngày thi thứ hai, phóng viên Thanh Niên Online vẫn tiếp tục phát hiện nhiều tài liệu tại một số hội đồng thi (HĐT) ở ngoại thành Hà Nội. Tại HĐT trường THPT Thượng Cát (xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm), khi kết thúc môn thi, nhiều TS vứt bỏ tài liệu ngay trong và ngoài khu vực thi.

 Do sự cố chung nên sáng nay tại HĐT trường THPT Lê Quý Đôn (Q.Hà Đông, Hà Nội) đã bị mất điện. Đến 7 giờ 20 phút, không khắc phục được sự cố, cán bộ điện lực Hà Đông phải sử dụng 3 máy phát điện dự phòng để cấp điện trở lại cho điểm thi này.

Tuy nhiên, nhiều TS cho biết đèn trong một số phòng không đủ sáng và nhiều quạt không chạy nên đã gây ra nhiều khó khăn trong lúc làm bài.

“Quay được không?”, “Chép hết không?”, “Tìm mãi mới thấy để chép, tớ mang vào nhiều quá nên loạn…” là những câu trao đổi mà Thanh Niên Online nghe được từ các TS tại HĐT này. Nhiều em vui vẻ vì “trúng tủ phao”.

Có mặt tại HĐT này, không khó để chúng tôi thấy cảnh TS vừa ra về vừa cầm "phao" kiểm tra lại bài làm. Nhiều mẩu "phao" thi vương vãi trên sân trường, cổng trường và đoạn đường trước cổng trường. Thùng rác trước cửa một số quán nước cũng la liệt "phao" thi do TS bỏ lại.

Theo nhiều TS, đề thi tốt nghiệp môn Địa lý năm nay không khó, cũng không dài, kiến thức cơ bản nằm trong sách giáo khoa. Dựa vào atlat địa lý có thể đạt điểm 8 là nhận định của một số TS sau khi kết thúc môn thi thứ 3 của kỳ thi tốt nghiệp.

Tại HĐT THPT Chương Mỹ A (H.Chương Mỹ), kết thúc môn thi vẫn có rất nhiều các loại “phao” thi được các TS rút ra từ túi quần, bên trong các túi sách, atlat… vứt lại bên ngoài cổng trường thi.

Trong khu vực nội thành Hà Nội, chúng tôi cũng phát hiện "phao" thi gần cổng trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) khi hết giờ thi môn Địa.

Còn tại HĐT trường THPT Nguyễn Huệ (Q.Hà Đông) sáng nay, có không ít TS đến thi muộn sau khi đã gọi TS vào phòng được chừng 10 phút. (Lê Quân - Thành Chung - Ngọc Thắng)


Thí sinh cầm tài liệu đọc ngay sau giờ thi để kiểm tra lại bài làm - Ảnh: Lê Quân

TP.HCM: Phải vận dụng atlat để làm bài

Đề thi môn Địa chi tiết quá

Nhận xét về đề thi môn Địa lý sáng nay, ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên môn Địa lý trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng: Đề thi môn Địa năm nay rất hay ở những phần câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng nhiều kỹ năng. Cụ thể là kỹ năng tính toán số liệu, kỹ năng vẽ biểu đồ và kỹ năng khai thác, sử dụng Atlat.

Tuy nhiên, có hai cái khó là đề thi dàn trải nhiều kiến thức và đặc biệt là câu hỏi yêu cầu trình bày thế mạnh tự nhiên về phát triển cây chè ở trung du miền núi là hơi quá chi tiết. Câu hỏi này mặc dù hay nhưng sẽ phù hợp hơn với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ chứ không nên đặt ra với đề thi tốt nghiệp THPT.

Với mục đích của thi tốt nghiệp THPT thì chỉ nên hỏi về cây công nghiệp nói chung chứ không nên nói cụ thể là loại cây gì, ở đâu.

Ông Lịch cho biết, trong quá trình học, học sinh cũng đã được học nội dung này nhưng không được học kỹ.

Theo ông Lịch, với đề thi như vậy, chắc chắn môn Địa lý sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm trung bình, ít thí sinh điểm cao.

Tuệ Nguyễn

 

Nhiều TS tại TP.HCM cho biết đề thi không khó để làm nhưng khó để đạt điểm cao vì đòi hỏi phải vận dụng thêm kiến thức toàn diện và atlat. Đặc biệt, nhiều TS bất ngờ với một câu hỏi "không nằm trong đề cương ôn tập".

Tại HĐT trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), ra khỏi phòng thi, một nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến nhăn nhó vì không làm được "câu hỏi về gió mùa đông bắc".

Tương tự, Trần Quỳnh Như (học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) cho biết: "Câu 1 về gió mùa đông bắc không có nằm trong đề cương ôn tập của trường tụi em. Ra khỏi phòng thi, nhiều bạn trường khác cũng nói như vậy. Vì vậy, tụi em phải vận dụng atlat để làm bài".

Theo một giáo viên dạy Địa của trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), câu hỏi về gió mùa đông bắc nằm trong bài 9 của sách giáo khoa, hoàn toàn trong chương trình học. Như vậy, có thể trong đề cương ôn tập của một số trường có thể không có phần này nhưng nếu học sinh học toàn diện, thuộc bài thì đều có thể làm được. Theo nhận xét của giáo viên này nhìn chung, với đề Địa lý sáng nay, TS trung bình khá có thể đạt được 6-7 điểm. (Viên An)

Ninh Thuận: Một nữ sinh bị đâm trước giờ thi

Khoảng 7 giờ sáng nay 3.6, tại HĐT ở trường THCS Trần Phú (TP Phan Rang - Tháp Chàm), trong lúc chuẩn bị vào phòng thi, TS Trương Thị T.T. (20 tuổi, HS trường THPT Ninh Hải, H.Ninh Hải) đã bị Huỳnh Quốc Việt (32 tuổi, trú ở TP Phan Rang - Tháp Chàm) đâm 3 nhát vào lưng.

Một số nhân chứng cho biết, sau khi bị đâm một nhát, T. bỏ chạy thì Việt tiếp tục đuổi theo; khi T. vấp ngã Việt đâm liên tiếp 2 nhát nữa khiến T. gục tại chỗ. Ngay sau đó, Việt bị quần chúng vây bắt giao cho Công an phường Thanh Sơn.

Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, nạn nhân bị đâm một nhát trúng phổi gây tràn máu, một nhát trúng lá lách. Sau khi được mổ cấp cứu, T. đã qua cơn nguy kịch.

Người nhà T. cho hay, Việt đã có một đời vợ, bị vợ bỏ. Gần đây, Việt theo đuổi T. nhưng T. và gia đình không đồng ý. Được biết, T. là học sinh khá, ngoan hiền, trong ngày thi đầu tiên T. làm bài tốt. (Lê Xuân)

* Tại Đà Nẵng, sau 90 phút làm bài, nhiều TS tỏ ra hài lòng vì bài thi của mình. TS Phương Tuấn, HS trường THPT Trần Phú, cho biết, tuy không "mặn mà" với các môn học bài, nhưng em vẫn hoàn tất bài thi của mình khá suôn sẻ.

Tuấn phân tích: "Nếu chỉ cần dùng atlat tốt và biết cách để phục vụ cho bài thi, thì điểm thi có thể đạt trên trung bình. Đề thi Địa lý năm nay khó nhất là phần vẽ biểu đồ, vì số liệu cho chênh lệch rất thấp, nên nếu không cặn kẽ và nắm vững kiến thức thì sẽ rất khó để hoàn thiện câu này!". 

Không có nhiều TS rời phòng thi sớm như ngày làm bài thi môn Văn, hầu hết TS đều hoàn tất bài thi của mình khi tiếng trống kết thúc giờ làm bài vang lên.

Cũng như Tuấn, TS Lê Thị Kim Nguyên, thi tại HĐT Lý Thường Kiệt cho biết, đề thi môn Địa của khối THPT (GDTX) cũng dễ thở. Tuy nhiên, Nguyên cho biết mình phải để trống câu cuối cùng vì thời gian dành cho những câu hỏi trước quá nhiều.

Tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Đà Nẵng, buổi thi Địa lý có thêm 5 TS khối THPT bỏ thi không có lý do. (Nguyễn Tú)

Quảng Nam: Tại Quảng Nam, Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, buổi thi môn Địa sáng nay ở khối THPT có 66 TS bỏ thi, trong đó có 54 TS bỏ thi không lý do, 7 TS có lý do và 5 TS bị ốm không thể dự thi.

Ở khối GDTX, đây là buổi thi có số TS bỏ thi ít nhất, chỉ có 44 TS bỏ thi với 23 TS không lý do.

Một TS tại phòng thi số 10 HĐT THCS Nguyễn Du (TP Tam Kỳ) bị đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng thi. (Diệu Hiền)

Quảng Bình: Buổi thi sáng nay tại huyện miền núi Minh Hóa diễn ra trong điều kiện nắng nóng. Bà Đinh Thị Hồng Sâm - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trường có 3 học sinh được miễn thi vì lý do sức khỏe.

Ghi nhận của PV Thanh Niên Online trong buổi thi môn Địa lý sáng nay ở điểm thi này, mọi việc diễn ra bình thường. Nhiều TS cho biết chỉ làm bài ở mức trung bình. TS Trương Thanh Hương cho hay làm bài không được tốt, việc được sử dụng atlat chiếm rất nhiều thời gian.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Bình, môn Địa lý có 19 TS hệ THPT bỏ thi, trong đó 13 TS không có lý do; hệ GDTX có 10 TS bỏ thi, trong đó có 3 TS không có lý do. (Quang Nam)


Thời tiết ở Quảng Bình tiếp tục nắng nóng khiến các TS khá vất vả

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.