Đe dọa Mỹ lẫn Nhật, Trung Quốc đẩy nhanh tham vọng toàn cầu

26/08/2022 07:31 GMT+7

Giữa bối cảnh căng thẳng âm ỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương , Trung Quốc liên tục có động thái tăng cường năng lực quân sự để đe dọa cả Nhật lẫn Mỹ.

Hôm qua (25.8), tờ Hoàn Cầu thời báo, một phiên bản của Nhân dân nhật báo trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận Guam is not Pearl Harbor, and China is not Japan (tạm dịch: Guam không phải Trân Châu Cảng và Trung Quốc không phải Nhật Bản).

Đe dọa trực tiếp

Bài viết cho rằng Trung Quốc không có ý định lặp lại lịch sử như Nhật Bản từng tấn công Trân Châu Cảng để đột kích vào đảo Guam. Bài báo còn quy kết nguy cơ Trung Quốc tấn công Guam chỉ do một số lực lượng tại Mỹ “thêu dệt” nhằm vu khống Bắc Kinh. Tuy nhiên, bài viết lại cũng khẳng định: “Nếu quân đội Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan bằng vũ lực, thì phải đối đầu vũ trang với Trung Quốc” và “Bắc Kinh sẽ đánh trả không do dự. Các căn cứ quân sự của Mỹ, bao gồm cả đảo Guam, đương nhiên nằm trong tầm hỏa lực của quân đội Trung Quốc (PLA)”.

Trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 23.8 tiết lộ Trung Quốc đang đóng nhiều tàu khu trục tối tân loại Type 052D. Trong đó, chỉ riêng một nhà máy đóng tàu ở Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) đang cùng lúc hoàn thiện 5 chiếc Type 052D. Đó là chưa kể nhà máy ở nơi khác và hiện PLA đã vận hành 25 chiếc loại này.

2 chiến hạm Type 055

PLA

Cũng Hoàn Cầu thời báo ngày 21.8 đưa tin PLA vừa biên chế thêm 2 tàu khu trục Type 055 là An Sơn và Vô Tích. Đây là lớp tàu khu trục lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc. PLA đang vận hành 5 chiếc Type 055. Không những vậy, tờ báo này còn dẫn ý kiến giới chuyên môn nhận định 2 tàu mới sẽ đạt được năng lực tác chiến đầy đủ vào cuối năm, có thể cùng các tàu Type 055 khác tiến hành hoạt động xung quanh Nhật Bản và gần Alaska (Mỹ).

Theo đuổi tham vọng

Theo báo cáo hồi cuối năm ngoái của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng hải quân biên chế nhiều tàu quân sự nhất thế giới với hơn 350 chiếc các loại và đang ngày càng tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

Trả lời Thanh Niên ngày 24.8 về động thái mới của hải quân Trung Quốc, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng: “Đó không phải là bất ngờ lớn. Ở một khía cạnh nào đó thì chúng ta đang quay lại thập niên 1970, khi hải quân Liên Xô vươn mình dưới thời đô đốc Sergey Gorshkov. Hải quân PLA chắc chắn không muốn bị giới hạn hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất”.

Chuỗi đảo thứ nhất nằm trong Chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô. Trong đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Chuỗi đảo thứ hai thường được tính từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines. Chuỗi đảo thứ ba bắt đầu tại quần đảo Aleutian và kết thúc ở châu Đại Dương, mà phần quan trọng là vị trí quần đảo Hawaii.

Những năm qua, Trung Quốc không ngừng mở rộng hoạt động của PLA ở Thái Bình Dương, bao gồm cả hải quân lẫn không quân và tên lửa khi nhiều lần gửi đi thông điệp đủ sức tấn công đảo Guam, thậm chí Hawaii.

“Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc điều chiến hạm ra vùng tây Thái Bình Dương có ý nghĩa lớn vì sẽ thu hút nguồn lực và sự chú ý của Washington, đồng thời giảm bớt áp lực đối với Bắc Kinh ở những nơi như eo biển Đài Loan và Biển Đông. Mỹ duy trì sự hiện diện ở sân sau của Trung Quốc thì Trung Quốc đang tìm cách thiết lập hiện diện ở sân nhà của Mỹ”, TS Holmes phân tích về động thái Bắc Kinh muốn đưa tàu khu trục Type 055 đến gần Alaska.

Lược đồ vị trí chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai

TL

Khiến nhiều bên tăng cường vũ trang

Và mục tiêu của Trung Quốc không chỉ đe dọa Mỹ mà còn bao gồm cả Nhật Bản, như tờ Hoàn Cầu thời báo thông tin. Trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) nhận định: “Hải quân PLA đang cố gắng đe dọa Nhật Bản bằng các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của 2 tàu khu trục mới. Tuy nhiên, Tokyo sẽ không “ngồi yên” để PLA tăng cường các cuộc tuần tra xung quanh Nhật Bản. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục”.

Thực tế, tham vọng của Trung Quốc thể hiện qua các hành động khiến nhiều bên lo ngại và tiến hành các động thái phòng ngừa.

Ngày 21.8, tờ Yomiuri Shimbun dẫn một số nguồn tin cho biết Nhật đang lên kế hoạch sở hữu hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa bằng cách nâng tầm bắn của các tên lửa đất đối hạm Type 12 từ mức hơn 100 km lên khoảng 1.000 km. Số tên lửa sẽ được triển khai chủ yếu ở chuỗi đảo tây nam, đủ sức tấn công mục tiêu ở Triều Tiên và vùng ven biển của Trung Quốc. Kèm theo đó, Tokyo còn tìm cách nâng cấp để tàu chiến và máy bay chiến đấu có thể phóng loại tên lửa trên. Nhật Bản cũng đang liên tục tăng ngân sách quốc phòng và theo đuổi các chương trình đẩy mạnh khả năng tấn công ngăn chặn. Tương tự, hôm qua (25.8), tờ Nikkei Asia đưa tin chính quyền Đài Loan vừa đề xuất ngân sách quân sự năm 2023 lên mức 17,3 tỉ USD, tăng đến 14,9% so với năm nay.

Đài Loan cam kết tăng mạnh ngân sách quốc phòng giữa căng thẳng với Trung Quốc

Trong khi đó, Mỹ gần đây cũng đã đưa ra kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ cho đảo Guam, đồng thời triển khai các chương trình phản ứng nhanh bằng nhiều loại khí tài.

Úc tuyên bố tiếp tục tuần tra Biển Đông

Tờ South China Morning Post ngày 25.8 đưa tin chính phủ Úc mong muốn cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng sẽ không đánh đổi bằng lợi ích quốc gia. Tư lệnh Không quân Úc Robert Chipman tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông và Lực lượng Phòng vệ Úc “được trang bị tốt” cho những hoạt động ở vùng biển này. “Những hoạt động của chúng tôi không thay đổi và vẫn là chuyện bình thường đối với chúng tôi”, ông Chipman phát biểu cạnh Bộ trưởng Không quân Úc Frank Kendall giữa cuộc tập trận Pitch Black tại lãnh thổ Bắc Úc. Các máy bay của Úc và Trung Quốc đã có nhiều lần tiếp cận nhau trên Biển Đông, dẫn đến chỉ trích về hành vi thiếu an toàn, thiếu chuyên nghiệp của quân đội Trung Quốc.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.