Để doanh nghiệp không phải 'lên ti vi mà vay'

Thanh Xuân
Thanh Xuân
01/03/2023 06:30 GMT+7

Những bức xúc, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng được các doanh nghiệp phản ánh tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do UBND TP.HCM tổ chức sáng 28.2. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng hội nghị ngành ngân hàng tổ chức nhiều, song hiệu quả thì không bao nhiêu.

"Lãi suất ưu tiên, không lẽ nói cho vui ?"

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), nói thẳng: "Tôi đi dự hội nghị ngân hàng (NH) nhiều nhưng nhận thấy chưa đạt được sự mong muốn của doanh nghiệp (DN)". Ông Tống cho hay, NH Nhà nước (NHNN) tuyên bố cho vay 5 lĩnh vực ngành nghề ưu tiên với lãi suất 5,5%/năm. Đây là lãi suất trong mơ mà DN không biết vay ở đâu. "Hỏi nhân viên NH thì họ nói không có, không lẽ nói cho vui? Lãi suất 5,5%/năm, lên ti vi mà vay", vị này nói. Nhưng không chỉ lãi suất cao, DN còn bị làm khó đủ điều khi đi vay vốn các nhà băng.

Để doanh nghiệp không phải 'lên ti vi mà vay  - Ảnh 1.

Lãi suất vay quá cao hiện nay đang ảnh hưởng đến sức khoẻ doanh nghiệp

Ngọc Thắng

Thông tin về việc tiếp cận vốn vay NH trực tiếp với công ty mình, ông Tống cho hay: Trước đây, DN của ông vay với lãi suất thấp, nhưng sau này NH điều chỉnh tăng lên nên ông chuyển qua vay NH khác với mức lãi suất thấp hơn. Thế nhưng đến giai đoạn rút tài sản thế chấp ở NH cũ thì DN bị làm khó, kéo dài hết tuần này đến tuần khác, rất mệt mỏi. 

"Biên lãi vay của công ty tôi là 2% (lãi suất tiết kiệm + 2%) nhưng nhiều DN trong hội lên 3 - 4%. Có chủ DN "khóc" khi NH điều chỉnh tăng biên độ lãi vay từ 2,5% lên 4,8%, nhưng xem hợp đồng thì không đề cập đến biên độ này. Phía NH nói rằng, trong phần chào giá có rồi nên hợp đồng không nêu. NH làm rất khéo nên DN luôn thua thiệt", ông Tống nói và kể thêm, đó là chưa kể NH cấp hạn mức tín dụng rồi nhưng không giải ngân khiến DN đã nhập hàng về đến cảng mà không có tiền thanh toán, phát sinh trả hàng loạt phí lưu cảng, phạt... "Chúng tôi tốn thêm hàng trăm triệu đồng vì chuyện này, đến khi bức xúc thì được khuyên đừng kiện NH vì vẫn còn phải quan hệ sau này. Rất nghịch lý khi lợi nhuận NH lớn, còn DN khó khăn", ông Tống bức xúc.

Sáng 28.2, một số NH ký cam kết cho 64 DN tại TP.HCM vay khoảng 11.000 tỉ đồng với lãi suất ngắn hạn từ 7%/năm và trung dài hạn là 10%/năm. Theo cam kết của 13 NH trên địa bàn TP.HCM sẽ dành hơn 300.000 tỉ đồng tham gia chương trình kết nối NH - DN năm 2023. Chương trình kết nối NH - DN năm 2022 trên địa bàn TP.HCM đã giải ngân đạt 568.340 tỉ đồng cho 32.500 khách hàng, tăng 16,65% so với năm 2021.

Đại diện Công ty TNHH Nệm Vạn Thành đặt vấn đề, DN sản xuất mỗi năm chỉ đạt lợi nhuận khoảng 10 - 15% mà lãi vay NH trên 10%, thậm chí có lúc DN phải vay với lãi suất lên đến 20%/năm thì làm sao DN có thể kham nổi. Cách tính lãi hiện nay của NH là lấy lãi suất huy động cộng với biên độ là ra lãi vay thì "ai chẳng làm được". "Tại sao NH nước ngoài có mức lãi suất thấp cũng như biên độ thấp như vậy mà NH trong nước lại cao? Đừng đổ lỗi cho lạm phát cao để duy trì lãi cao", vị này nói.

Trước tình trạng lãi suất cho vay ở mức cao, đại diện Hội DN Cần Giờ ngán ngẩm, lãi suất huy động của NH cao khiến nền kinh tế co cụm lại, tiền nhàn rỗi chảy vào NH thay vì đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. "NHNN cần áp trần lãi suất huy động tầm 2 - 3%/năm, DN vay với lãi suất 5 - 6%/năm thì dòng vốn mới ra được nền kinh tế, có lợi cho phát triển kinh tế", vị này đề xuất.

Để doanh nghiệp không phải 'lên ti vi mà vay  - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp sáng 28.2

T.X

Không chấp nhận thế chấp đất nông nghiệp

Việc tiếp cận vốn vay NH cũng khó khăn liên quan đến tài sản thế chấp. Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại MEBIPHA, nói: Trong 20 năm hoạt động đến nay, DN sử dụng vốn NH nhiều. Năm 2010, DN thuê đất tại khu công nghiệp 50 năm, có đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị với tổng vốn đầu tư 86 tỉ đồng. Tiền thuê đất 50 năm, DN trả 1 lần khoảng 10 tỉ đồng nhưng phía NH không nhận thế chấp đất thuê này. 

Trong thời gian 2 năm qua, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, DN đã sử dụng hết vốn đang có, dùng thêm các tài sản khác vào thế chấp. Đến nay, khi DN hoạt động lại bình thường cũng là lúc thiếu vốn để hoạt động cũng như mở rộng đầu tư. Thế nhưng NH không nhận tài sản thế chấp nói trên. Đó là chưa kể, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đất nông nghiệp nằm ở các tỉnh cũng gặp khó khăn khi mang thế chấp. Bà Ái kiến nghị NH chấp nhận cho thế chấp đất thuê trong khu công nghiệp, đất nông nghiệp để DN có thể giải quyết nhu cầu vốn.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, phụ trách tài chính Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết: DN sản xuất nông nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH. Gần đây, DN đưa tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp ở các tỉnh vào làm tài sản thế chấp thì NH không chịu. DN thiếu vốn nên đành bán dần đất nông nghiệp để xoay xở. Do DN không thế chấp được bằng đất nông nghiệp nên những thành viên thực hiện vay NH với tư cách cá nhân với lãi suất từ 11 - 12%/năm, trong khi nếu DN đứng vay có thể sẽ được lãi suất thấp hơn, khoảng 8%/năm. DN đứng vay còn có thể đưa vào chi phí vốn để tính thuế, còn cá nhân thì không. Tất cả những chi phí này đội lên cao, tính vào giá thành sản phẩm nên đôi khi người tiêu dùng phải chịu giá hàng hóa cao hơn. "Đó là chưa kể DN đang vay, NH dừng cho vay, cắt ngang việc "bơm máu" thì DN dễ tụt huyết áp lắm", ông Vũ nói.'

Để doanh nghiệp không phải 'lên ti vi mà vay  - Ảnh 3.

Lãi suất vay quá cao ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp

Ngọc Thắng

Ưu đãi vì khó khăn nhưng lại "bắt" có lãi

Trước bức xúc của DN, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), chia sẻ: Liên quan đến công thức tính toán lãi, NH sẽ có công thức tính lãi vay cho từng đối tượng khách hàng. Trong trường hợp khách vay sử dụng nhiều dịch vụ của NH, phát sinh phí dịch vụ hoặc NH tham gia vào hệ sinh thái của DN này mang thu nhập về thì phần lãi sẽ được điều chỉnh giảm hơn so với lãi vay. Về mặt bằng lãi suất tăng như thời gian vừa qua, ông Tùng cho rằng do thanh khoản thị trường. 

Bản thân NH cũng không muốn huy động hay cho vay lãi suất cao vì ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và có thể gia tăng thêm nợ xấu cho NH. "Mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm. Dự báo lãi suất cho vay sẽ sớm trở về dưới mức 10%/năm trong thời gian tới. Vấn đề lớn nhất của DN là đáp ứng điều kiện thủ tục cho vay, đó là sức khỏe hay nói cụ thể là tình hình tài chính của DN. Về dài hạn, làm sao tăng tiềm lực tài chính của DN thông qua gia tăng đơn hàng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu..., từ đó NH đẩy mạnh vốn cho các hoạt động này", ông Tùng nói.

Liên quan thắc mắc của DN về chương trình lãi suất cho vay ưu đãi 5,5%/năm, trong buổi họp báo trưa cùng ngày, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thông tin đây là chương trình cho vay ưu tiên trong 5 lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Các tổ chức tín dụng hiện giải ngân khoảng 200.000 tỉ đồng. Do đây là gói cho vay tiền đồng ngắn hạn trong thời gian từ 3 - 6 tháng nên doanh số của chương trình trong năm cao gấp 2 - 3 lần. Điều kiện cho vay là DN phải minh bạch tài chính, kinh doanh có lãi trong 3 năm liên tiếp… Đây là chương trình hỗ trợ lãi suất chứ không phải gói tín dụng nên NH thương mại chủ động nguồn vốn huy động của mình để triển khai cho vay.

Để doanh nghiệp không phải 'lên ti vi mà vay  - Ảnh 4.

Không đồng tình với lý giải này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội DN TP.HCM, phản ứng: Trong 2 năm dịch Covid-19 xảy ra liên tiếp thì điều kiện DN kinh doanh 3 năm liên tiếp có lãi khá khó đáp ứng để được tiếp cận lãi vay 5,5%/năm. Cần thay đổi quy định này để DN có điều kiện tiếp cận vốn rẻ nhiều hơn. Ông Nguyễn Đức Lệnh ghi nhận kiến nghị và thông tin thêm trong thời gian 3 năm Covid-19, ngành NH đã triển khai giảm, giãn nợ cho khách hàng. Đối với những DN chưa tiếp cận được vốn vay NH có thể phản ánh lên NHNN. Nếu trong phạm vi giải quyết thì NHNN sẽ thực hiện triển khai ngay, còn liên quan đến chính sách sẽ kiến nghị lên trên.

Các bên từ NH, DN và chính quyền cần hành động để gần và hiểu nhau hơn. DN cần trao đổi thẳng thắn với NH về những vướng mắc của mình để cùng nhau giải quyết, cũng như cơ cấu, sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả… Qua cuộc đối thoại này, NHNN, Sở Công thương tập hợp các vấn đề theo nhóm như đất đai, vốn cho DN khoa học công nghệ, thủ tục… để không chỉ dừng lại giải quyết ở DN, NH mà còn cải thiện môi trường đầu tư chung của TP.HCM. Chúng ta cùng phải nhận diện, tháo gỡ khó khăn để chặn đà sụt giảm để cùng phát triển.

Ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM)

Sau hơn 1 giờ nghe các DN phản ánh, chia sẻ những bức xúc trong tiếp cận vốn vay NH, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao cuộc đối thoại giữa NH và DN. Theo ông Mãi, có những vấn đề được nêu ra một cách gay gắt nhưng qua đó nắm bắt được nhiều thông tin để NH và DN có thể hiểu nhau hơn, từ đó có thể sửa đổi để giải quyết các vướng mắc. Không những NH mà cả các cơ quan ban ngành cũng cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc cho DN. Trước đây, DN kêu khó tiếp cận vốn vay NH, nhưng nay nếu có tiếp cận được thì vốn vay có lãi suất cao. NH làm sao để DN đừng nói "lãi suất 5,5%/năm lên ti vi mà vay" mà cần thông tin nhiều hơn đến DN các chương trình, gói tín dụng. Trong những vấn đề khó khăn mà DN gặp phải, những vấn đề TP.HCM có thể giải quyết thì sẽ làm ngay, nếu ngoài thẩm quyền sẽ kiến nghị T.Ư. Chẳng hạn dự thảo Nghị quyết 54 về cơ chế đột phá của TP.HCM đã đề xuất được sử dụng quyền thuê đất hàng năm thế chấp, chuyển nhượng. Nếu Nghị quyết này được phê duyệt sẽ giải quyết vấn đề vướng mắc đất thuê thế chấp NH hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.