Ba tháng nay, sau giờ làm việc, chị Nguyễn Thu Dung tất tả đến Trường Doanh nhân Pace theo học khóa giám đốc điều hành. Mỗi tuần, chị đều dành ra 3 buổi tới lớp để có thêm những kiến thức về quản lý.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng
Là kế toán trưởng văn phòng đại diện của công ty chuyên sản xuất đồ gỗ của Mỹ có chi nhánh tại quận 1- TPHCM, mỗi ngày chị Dung bận rộn với hàng loạt công việc. Thế nhưng cách đây 2 tháng khi vị giám đốc điều hành từ Mỹ bay sang có buổi làm việc với toàn thể nhân viên, ông ta đề cập việc kinh doanh khó khăn và cho rằng: Những ai không đủ năng lực sẽ mất cơ hội việc làm. “Đó là điều đương nhiên, nên dù bận rộn chuyện gia đình, chuyện công ty tôi vẫn quyết định đăng ký theo học khóa quản lý điều hành để có thêm kiến thức. Bên cạnh đó, tôi còn theo học khóa kế toán nâng cao để nâng cao nghiệp vụ”- chị Dung nói.
Cách đây 2 tuần, anh Thanh Bình, biên tập viên báo S., cũng ráo riết tìm trung tâm đăng ký học Anh ngữ. Anh cho biết, chủ trương của ban biên tập đến cuối năm 2009 là phóng viên, biên tập viên phải có bằng TOEFL hoặc TOEIC, bởi trong xu hướng mở, người làm báo không thể thiếu ngoại ngữ. Với anh Bình, đó cũng là cơ hội tốt để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, phục vụ cho công việc: “Tôi cũng thường đi công tác nước ngoài, nếu mỗi lần phỏng vấn hay lấy tư liệu cứ phải nhờ phiên dịch vừa không tiện lại tốn kém. Có ngoại ngữ, tôi dễ tác nghiệp, gần gũi với người bản xứ, khai thác được nhiều thông tin hơn”.
Học để vươn lên
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, đã không ít doanh nghiệp (DN) đang xem lại chất lượng nguồn nhân lực để cân đối chi phí. Đối tượng được nhiều DN nhắm đến chính là những người có trình độ chuyên môn thấp mà không muốn nâng cao tay nghề. Đó cũng là lý do khiến cho không ít người lao động tìm đến các trường, trung tâm để nâng cao kiến thức cũng như trình độ chuyên môn. Hơn 10 năm phụ trách bộ phận tiếp thị cho công ty chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý tại TPHCM, chị Mỹ Hạnh luôn tâm niệm, muốn phát triển phải không ngừng học tập. Chính vì thế, dù công việc bề bộn nhưng chị vẫn đăng ký theo học khóa đào tạo về xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, chị còn theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh để phục vụ cho việc làm của mình.
Là nhân viên phụ trách truyền thông của Công ty Nhân Việt vì choáng ngợp trước những chương trình PR hoành tráng của các công ty lớn, cách nay 3 tháng, Bình quyết định “săn” học bổng du học. Sau thời gian đăng ký khắp nơi, cuối cùng cô nhận được học bổng về truyền thông tại Trung Quốc. Chỉ còn một tháng nữa là Bình sẽ lên đường du học và cô tin rằng mình sẽ có thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng làm việc.
Đa năng hóa tay nghề
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm- Giám đốc Truyền thông Navigos Group: Cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn |
Tại Công ty Kimberly-Clark, để đa năng hóa nhân viên, công ty đã áp dụng mô hình đào tạo chéo cho nhân viên kỹ thuật. Với mô hình này, nhân viên kỹ thuật được học thêm những kiến thức về vận hành, bảo trì và sản xuất... “Việc đa năng hóa như thế không chỉ giúp nhân viên có thể đảm đương nhiều công việc khác nhau mà họ còn cảm thấy hứng thú hơn trong công việc”- ông Nguyễn Quốc Nam, giám đốc nhân sự công ty, cho biết.
Theo Huỳnh Nga/Báo Người Lao Động
Bình luận (0)