4 NĂM RỒI KHÔNG VỀ QUÊ ĐÓN TẾT
Chị Phạm Thị Kim Liên (33 tuổi), công nhân làm việc tại Công ty TNHH Freetrend Industrial, TP.Thủ Đức, cho biết sau giờ tan làm, chị và nhiều công nhân nữ khác sống cùng dãy trọ tất bật lấy nước tưới cho đám rau ven đường. Một hàng dài những xà lách, cải ngọt, rau thơm các loại xanh tươi mơn mởn.
"Chị trồng để cả nhà có rau sạch ăn, đỡ tốn tiền mua, thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, hết lứa này tới lứa kia. Cải ngọt thì một tháng là hái được, còn xà lách phải một tháng rưỡi mới có ăn", chị Liên chia sẻ và nói đời công nhân xa nhà nên mọi chi phí đều phải tiết kiệm mới mong đủ sống, có tiền đóng học phí cho 3 con hằng tháng.
4 năm rồi, về quê đón tết là điều gì đó rất xa xỉ với nữ công nhân quê ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). 2 chị lớn của chị Liên đi làm ở Hà Nội, gần mẹ hơn, tết có thể về thăm gia đình, còn chị thì không. "Nhớ nhà, nhớ mẹ cũng chẳng về được", giọng chị Liên đượm buồn.
Chị kể 4 năm trước, khi chưa sinh con thứ 3, gia đình 4 người về quê, tiết kiệm lắm cũng phải có gần 30 triệu đồng lận lưng để mua vé xe, quà cáp cho gia đình, họ hàng, quần áo ấm… Nhưng năm nay, chị Liên dường như không tăng ca, còn chồng đi làm bên ngoài, thu nhập bấp bênh, bữa làm bữa nghỉ. Với chị Liên, gia đình 5 người đủ ăn, không đói đã là may mắn lắm rồi.
"Trong khi trên mạng người ta cứ rôm rả "mình là món quà lớn nhất của cha mẹ", nhưng thực tế, đi làm xa, về nhà không có gì trong tay thì coi sao được. Chưa kể còn quần áo mới cho các con. Mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, đâu thể mặc lại đồ cũ được", chị Liên nói và kể muốn về thì cả gia đình cùng đi, nhưng tiền đâu chịu cho nổi khi vé xe giá cao quá.
Do vậy, dù rất muốn về thăm gia đình, nhưng nghĩ đến tiền vé xe, cộng thêm những chi phí khác, đường về quê của chị Liên thêm xa.
Cũng cùng hoàn cảnh như chị Liên, gia đình anh Nguyễn Văn Đồng, ngụ tại 167/15/9, đường số 8, KP.1, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, chưa dám nghĩ đến việc về quê đón tết vì không có tiền mua vé xe.
Anh Đồng từ huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) vào TP.HCM lập nghiệp hơn 8 năm, trước kia anh làm công nhân may tại khu công nghiệp Sóng Thần, nhưng sau đó vì lương thấp không đủ sống nên chuyển sang chạy xe ôm công nghệ mấy năm nay, còn vợ anh vẫn đang làm việc tại Công ty TNHH Freetrend Industrial.
Anh Đồng nhớ những năm trước, nghề chạy xe ôm công nghệ còn ăn nên làm ra, cuộc sống của gia đình nhỏ 4 người không quá chật vật. Nhưng năm nay, kinh tế khó khăn, khách không được mấy người, anh Đồng phải làm đến đêm muộn để kiếm đồng nào hay đồng đó. Cuối tuần, anh chạy xe bên ngoài xuyên đêm, khách đi tận huyện Bình Chánh, anh cũng không ngại xa.
Mấy hôm nắng gắt, không có cuốc xe nào, anh Đồng thử tìm công việc khác để có thu nhập ổn định hơn nhưng cũng không ai tuyển vì họ cần người có bằng cấp, trình độ cao.
Còn vợ anh, mọi năm còn tăng ca đến cận tết mới nghỉ, nhưng năm nay thời gian làm thêm không nhiều, toàn phải về sớm. Nhiều lúc thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ trang trải học phí cho 2 con và tiền thuê trọ hằng tháng. Những khoản ăn uống, chi tiêu khác anh Đồng phải vay mượn thêm bên ngoài, nợ nhiều nhưng chưa trả hết.
"Mấy năm dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống khó khăn thật nhưng còn có người giúp đỡ. Còn năm nay, ai cũng khổ như nhau nên tự mình phải vượt qua", anh bày tỏ. Có lần quá chật vật, anh Đồng gợi ý vợ về quê sinh sống, nhưng chị muốn ở lại bám trụ thành phố, làm thêm ít năm nữa.
Mỗi lần nhắc tết, ánh mắt của anh Đồng rạng rỡ lên khi nghĩ đến cảnh mình được sum vầy bên gia đình, cùng anh em họ hàng chúc tết từng nhà thật vui. "Nếu có chương trình hỗ trợ vé xe cho công nhân, người lao động khó khăn thì mừng quá. Ai đi xa cũng muốn được về quê đón tết, chứ năm mới xa nhà thì buồn lắm", anh Đồng hy vọng.
MONG ĐƯỢC VỀ THĂM CON
Đó là ao ước lớn nhất của chị Hương Thị Quỳnh Trâm (34 tuổi), công nhân Công ty TNHH Freetrend Industrial, TP.Thủ Đức. Hôn nhân gãy gánh giữa đường, con gái lớn phải gửi ông bà ngoại chăm sóc từ nhỏ. Chị Trâm vào TP.HCM lập nghiệp và có thêm gia đình mới để nương tựa. Sức khỏe con yếu ớt, hay ốm đau, tiền vợ chồng làm dư bao nhiêu cũng đều lần lượt "đội nón ra đi" sau những lần con vào viện điều trị.
Năm nay, nữ công nhân quê ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) lại không tăng ca, tháng vừa rồi chị còn nhập viện, cứ đi làm rồi lại nghỉ nên lương tháng chỉ hơn 7 triệu đồng.
"Con đầu lòng của mình ở quê năm nay 13 tuổi, lúc nào cũng mong mẹ về. Có năm mình đưa con vào TP.HCM chơi, lúc đó nó 4 tuổi. Từ đó đến nay, số lần gặp gỡ của hai mẹ con chỉ đếm trên đầu ngón tay", chị Trâm nói trong nước mắt nghẹn ngào.
Rồi chị tiếp lời: "Mình cũng muốn về quê đón tết vì có con ở nhà. Chồng cũ đã ly dị nhưng giờ ông ấy cũng mất rồi, thành ra con bé mồ côi cha. Mình đi làm xa, 2 năm rồi tết không về quê thăm con được vì hoàn cảnh khó khăn".
Tiền vé xe khứ hồi về quê Hà Tĩnh cho 3 người cũng đã hơn 10 triệu đồng. Để có được số tiền đó, chị Trâm và chồng phải dành dụm cả năm và trong nhà không ai đau ốm. Còn hiện tại, con ốm đau liên miên nên mong ước của chị Trâm về quê thăm con lại trở nên xa vời.
Chị Trâm nói ngày nhỏ ai cũng thích tết, được lì xì, mặc quần áo mới, chúc tết gia đình, ăn đủ món ngon. Nhưng càng lớn, tết bỗng trở thành nỗi lo với nhiều người khi câu chuyện cơm áo gạo tiền ngày càng nặng nề.
Nhằm hỗ trợ cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đoàn tụ cùng gia đình vào ngày tết, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức chương trình "Chuyến xe mùa xuân - Hy vọng 2024 - Đưa công nhân về quê đón Tết Giáp Thìn" với sự tài trợ chính từ nhãn hàng OMO. Chương trình trao tặng 1.500 vé xe đưa công nhân, người lao động từ TP.HCM về quê đón tết tại 14 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Các chuyến xe sẽ khởi hành vào ngày 5.2.2024 (nhằm ngày 26 tháng chạp).
Bình luận (0)