|
Trên thực tế, hiện nay việc dạy và học môn giáo dục công dân (GDCD) ở trường phổ thông hết sức buồn chán, nội dung nào cũng có thể lồng ghép vào môn học này còn học sinh (HS) học cốt đủ điểm để lên lớp.
Chán vì thiếu thực tiễn
Nói về những kiến thức GDCD đang học, N.H.T - HS lớp 7 Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM, nhận xét: “Có nhiều bài học khó hiểu, khi kiểm tra chúng em đều phải cố học thuộc lòng hết các khái niệm và nhiều lúc cảm thấy chưa cần thiết”. Còn giáo viên Nguyễn Thành Long, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, cũng nhìn nhận: “Nhiều nội dung biên soạn chưa phù hợp với độ tuổi của HS. Chẳng hạn ở lớp 7 (12 tuổi) HS phải nắm hết kiến thức về quốc hội, HĐND các cấp ở các bài về bộ máy nhà nước sau đó làm bài tập với các câu hỏi muốn đăng ký tạm trú, kết hôn... phải đến những cơ quan nào? Hay như ở bài Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, các em phải nghe giảng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Ở lớp 10, hầu hết HS đều choáng với môn GDCD vì những nội dung thuộc phạm trù triết học như thế giới quan duy vật, phương pháp luật biện chứng, cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng… Trực tiếp giảng dạy, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2), cho rằng: “Vừa bước chân vào một bậc học, phải tiếp nhận những kiến thức như vậy khó cho các em vì nó khá trừu tượng”. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), thẳng thắn: “Nội dung hết sức nặng nề. Những kiến thức trùng lắp sẽ được học ở bậc học cao hơn thì nên để lúc đó dạy chắc chắn phù hợp với nhận thức của HS hơn”.
Một giáo viên ở Q.3 nhận định: Khi phải tiếp nhận những kiến thức vượt quá lứa tuổi, khó hiểu, mơ hồ, lâu dần các em sẽ cảm thấy chán ngán. Đó là chưa kể tâm lý môn phụ, không thi nên không tránh khỏi việc HS ngủ gật trong lớp.
Cái gì cũng đưa vào GDCD
Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), nói: “Môn này còn “gánh” thêm quá nhiều nội dung khác như: phòng chống tội phạm, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông, giáo dục chính sách quốc phòng... Thấy dư luận xã hội lên tiếng HS thời nay thiếu kỹ năng gì là lập tức môn GDCD có “hàng đính kèm”. Đưa quá nhiều nội dung làm HS bội thực còn giáo viên nhiều khi không biết dạy gì. Vì thế, giáo viên cho biết việc giảng dạy nhiều lúc rất nặng tính hình thức”.
Trên thực tế, việc lồng ghép hoạt động khác vào bộ môn này hoàn toàn không hiệu quả vì thời lượng quá ít. Với 1 tiết/tuần may ra chỉ đủ để giáo viên giới thiệu kiến thức trọng tâm chứ khó lòng dẫn chứng thực tế hay phối hợp hoạt động.
Nên gắn liền với cuộc sống
Trước thực tế này, ông Nguyễn Phạm Đại khẳng định: “Nếu không thay đổi ngay nội dung giảng dạy thì từ HS, giáo viên và ngay chính phụ huynh cũng bị sốc khi GDCD trở thành môn học bắt buộc sau một thời gian dài dạy và học theo kiểu đối phó, thờ ơ”.
Cụ thể hơn, ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9), đề nghị: “Để trở thành một trong 4 môn học bắt buộc thì ngay từ bây giờ chương trình GDCD phải có sự thay đổi. Nội dung học phải thực tế, gắn với hơi thở của cuộc sống thì mới làm HS hứng thú. Bên cạnh đó, giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, đừng tự bằng lòng với sự yếu thế của môn học mà phải làm sao để mỗi khi chuông reo đến giờ dạy của mình HS lại náo nức”. Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Anh, chuyên viên Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Cần chắt lọc, cô đọng lại. Bên cạnh đó nên giảm bớt khái niệm, phạm trù mà tăng cường những bài học kinh nghiệm, những mẩu chuyện, bài báo, tin tức. Đã gọi là GDCD thì nên tập trung vào giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Sau khi đã chuẩn bị cho HS một nền tảng đạo đức vững chắc cùng với kỹ năng sống thì lúc đó chắc chắn các em dễ dàng tiếp nhận những kiến thức cơ bản như triết học, kinh tế chính trị…”.
Bích Thanh
Bình luận (0)