Để gió cuốn đi: Những cựu nữ sinh mê hát nhạc 'anh Sơn'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/03/2024 06:51 GMT+7

"Mới đó đã 23 năm anh Sơn đi xa. Nếu còn trên đời, năm nay, anh Sơn đã 85 tuổi rồi. Chị em tụi cô cù nhau (rủ rê - PV) để hát cho anh nghe", bà Hoàng Thị Thọ, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên-Huế, xúc động khi nói về những chương trình nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn.

NGHĨA TÌNH CỦA NHỮNG CỤ BÀ

Tháng 4 về, những cựu nữ sinh Huế năm xưa lại bồi hồi nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhớ những buổi nhạc tưởng niệm từng khiến người ái mộ ông mong đợi hằng quý. Dịch Covid-19 làm gián đoạn những chương trình văn nghệ đã mấy năm qua, nay những cựu nữ sinh xứ Huế quyết tập hợp nhau để những bài hát bất hủ của ông lại vang lên trong chương trình Thương nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào chiều 31.3 nhân 23 năm ngày mất Trịnh Công Sơn (1.4.2001 - 1.4.2024).

Để gió cuốn đi: Những cựu nữ sinh mê hát nhạc 'anh Sơn'- Ảnh 1.

Những cựu nữ sinh Huế xưa trong một chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Gác Trịnh

S.X

"Cách đây hơn 10 năm, căn nhà số 203/19 Nguyễn Trường Tộ - nơi anh Sơn từng sinh sống với gia đình trước khi chuyển vào miền Nam - rơi vào cảnh quạnh quẽ, rất tội nghiệp. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, thời điểm đó là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương (nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế) đã kết nối anh em văn nghệ sĩ, nhà báo góp tiền để thuê lại căn nhà. Vậy phải làm gì để Gác Trịnh ấm lại? Thế là, tụi cô góp tiền thuê nhạc công, in phông nền… để tổ chức những buổi nhạc hát cho nhau, cho anh Sơn và bè bạn của anh nghe…", bà Thọ kể hoàn cảnh ra đời chương trình văn nghệ tưởng nhớ Trịnh.

Chương trình đầu tiên trình làng vào đúng ngày 1.4.2013, diễn ra tại Gác Trịnh đã khiến nơi cố nhạc sĩ từng viết những bản tình ca đầu tiên trở nên ấm cúng. Thời điểm đó, các cựu nữ sinh Huế ai cũng đã ở tuổi ngoài 60 nhưng lòng đầy nhiệt huyết. Các cô tâm niệm tuổi cao hát không thể hay nhưng "phải nhớ anh Sơn và giữ được cái hồn của nhạc Trịnh". Bởi vậy, dù bận nhiều công việc nhưng các cô vẫn cố gắng sắp xếp để luyện tập.

"Tụi cô tổ chức mỗi quý mỗi lần và lấy chủ đề là tên những ca khúc của anh Sơn, như Hạ trắng, Nhìn những mùa thu đi, Ngoài phố mùa đông… Một người bạn thân của anh Sơn là nhà văn - nhà nghiên cứu Bửu Ý không lúc nào vắng mặt. Anh Bửu Ý nói rằng: mình đến để nghe các em hát nhạc của Sơn và ngắm áo dài. Nhiều người đề nghị nên làm hằng tháng nhưng tụi cô không còn trẻ và tài chính không cho phép. Mấy năm vướng dịch, đến ngày 1.4, tụi cô lại nhớ lắm. Năm nay, sinh nhật tuổi 85 của anh Sơn, tụi cô lại hát những ca khúc của anh trong phạm vi gia đình…", bà Thọ chia sẻ.

NHỚ "MỘT ANH SƠN RẤT HUẾ"

Trở lại với chương trình âm nhạc tưởng nhớ Trịnh nhân 23 năm ngày mất của ông, những cựu nữ sinh xứ Huế đều đã ở tuổi ngoài 70. Đã 11 năm kể từ chương trình đầu tiên, vài cựu nữ sinh đã "rơi rụng" vì sức khỏe, tuổi tác. Người có thể tham gia vẫn hăng say tập luyện, vẫn vẹn nguyên tình cảm với nhạc Trịnh như thời thiếu nữ. Điều thú vị là những cựu nữ sinh Đồng Khánh mà tôi tiếp xúc đều có những kỷ niệm khá gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ vì thế mà khi cất giọng hát, các cô lại say mê, hát trong cảm xúc hoài niệm.

Để gió cuốn đi: Những cựu nữ sinh mê hát nhạc 'anh Sơn'- Ảnh 2.

Gác Trịnh - căn nhà nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh sống ở Huế từng được tổ chức nhiều chương trình ca hát tưởng nhớ ông

Thế hệ các cô không xa lạ gì với những Ướt mi, Dã tràng ca, Diễm xưa, Như một lời chia tay… "Dù sáng tác ở giai đoạn nào thì những ca khúc của anh Sơn vẫn luôn gần gũi với người nghe. Ai cũng tìm thấy mình trong nhạc của anh. Cô hát không hay nhưng rất thích nhạc Trịnh nên chương trình nào cô cũng hăng hái tham gia", bà Phan Thị Năm (69 tuổi) chia sẻ. Bà Hoàng Thị Thọ tiếp lời: "Nhạc của anh cũng giống như con người của anh, dù là tượng đài âm nhạc nhưng bao giờ anh cũng khiêm nhường, như cái cách anh viết "Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời" (Biết đâu nguồn cội)". Bà Nguyễn Hoàng Lan (nguyên giáo viên Anh văn) trải lòng: "Anh Sơn lúc nào cũng bao dung, câu cửa miệng anh hay nói là "Tội hí!". Tụi tui nhớ về anh cũng nhớ một anh Sơn rất Huế, giọng Huế rặt dù bao năm xa mảnh đất này".

Bà Lan kể thuở còn trẻ, bà từng chứng kiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang chơi với một người anh của bà vốn là nhạc công thổi kèn. Nhiều lần bà được nghe những ca từ do nhạc sĩ vừa mới viết ra và được ca sĩ Hà Thanh hát lên. "Hát để tưởng nhớ anh Sơn thì lúc nào tui cũng sẵn lòng tham gia. Bởi yêu mến những ca từ của anh từ thuở thiếu thời mà nay 80 tuổi tui vẫn hát…", bà Lan nói. Kém bà Lan gần 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Tường Vy (nguyên giáo viên ngữ văn) kể bà thuộc lớp đàn em, chỉ thân thiết với 2 cô em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều dịp sang chơi nhà, bà bắt gặp nhạc sĩ đang suy tư sáng tác.

"Ấn tượng của tui về anh Sơn ban đầu không tốt lắm", bà Tường Vy cười: "Đó là năm Mậu Thân 1968, khi người dân đang bơ phờ vì tản cư đến Thư viện Đại học Huế thì anh Sơn vẫn vô tư ôm đàn guitar say sưa hát. Hồi đó, tui còn nhỏ quá, chỉ một suy nghĩ: cái ông ni kỳ ghê, chiến tranh rồi còn ca với hát. Sau này, khi nghe những ca khúc của anh, nhớ lại chuyện cũ tui mới thấy anh Sơn thật sự là một con người đáng yêu". Rồi bà xúc động: "Anh yêu đời, yêu người, yêu âm nhạc một cách mãnh liệt. Năm 1985, một lần vào TP.HCM và ghé nhà anh, tui có ý định hỏi: có phải trong mỗi bài hát anh đều có một câu kết với đại ý rõ ràng, chẳng hạn "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" (Diễm xưa). Lần lữa chưa kịp hỏi, thì anh không còn nữa…". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.