Để hóa đơn điện tử phát huy hiệu quả

Mai Phương
Mai Phương
09/12/2023 07:34 GMT+7

Mặc dù quy định mọi tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng, nhưng thực tế khá nhiều nhà hàng, khách sạn không thực hiện. Đây là một trong những lỗ hổng thất thu thuế hiện nay. Dù vậy, việc áp quy định lên tất cả các dịch vụ lại không đơn giản.

Chỉ áp dụng với nhà hàng, quán ăn lớn ?

Theo quy định tại luật Quản lý thuế số 38/2019 của Quốc hội, toàn bộ tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử không phân biệt giá trị từng lần. Hóa đơn điện tử được áp dụng từ tháng 7.2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước. Thế nhưng thực tế nhiều người phản ánh tình trạng vẫn còn nhiều nhà hàng, khách sạn không thực hiện cung cấp hóa đơn cho khách hàng. 

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc người bán hàng phải xuất hóa đơn cho khách hàng theo từng giao dịch, bỏ nội dung cho phép xuất hóa đơn tổng cuối ngày trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến người bán hàng, người mua hàng về quyền lợi và nghĩa vụ của việc xuất hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. 

Bộ Tài chính thông tin thêm, ngành thuế đang triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác…). Ngoài ra, cơ quan thuế tiếp tục triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn" với mục tiêu thúc đẩy người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng có cơ hội trúng thưởng khi lấy hóa đơn, theo đó tạo áp lực lên người bán hàng và yêu cầu xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ.

Để hóa đơn điện tử phát huy hiệu quả - Ảnh 1.

Cơ quan thuế đang siết việc xuất hóa đơn của các quán ăn, nhà hàng

VŨ PHƯỢNG

TS Nguyễn Văn Thuận, nguyên Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, đặt vấn đề nhiều nhà hàng, khách sạn hiện đang sử dụng các phần mềm tính tiền, xuất hóa đơn khác nhau. Để thực hiện kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan quản lý thuế thì liệu công nghệ có cần thay đổi gì hay không? Trong trường hợp này cũng chỉ tập trung quản lý ở các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn. Sau đó, ngành thuế cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và sẽ xử phạt những đơn vị không tuân thủ quy định.

"Chúng ta đang có hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh gia đình bán hàng hóa, dịch vụ như quán cơm bình dân, xe hủ tiếu vỉa hè, tiệm tạp hóa trong hẻm… nên không thể nào quản lý được hết. Bởi nếu so với nguồn lực của nhà nước bỏ ra để quản lý với số thuế có thể thu được thì không hiệu quả. Chính vì vậy, việc quy định xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế cũng chủ yếu áp dụng với các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn. Theo đó, cơ quan thuế sẽ kiểm soát được doanh thu. Nếu các đơn vị vẫn đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh thì ngành thuế cũng có cơ sở để điều chỉnh lại số thuế khoán phải nộp theo đúng thực tế. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là giải pháp để góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ, bán lẻ. Đồng thời vẫn đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền để người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng, dịch vụ. Từ đó tạo áp lực cho tổ chức, cá nhân bán hàng sẽ xuất hóa đơn", TS Nguyễn Văn Thuận nói.

Tăng giải pháp khuyến khích cá nhân lấy hóa đơn

Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa phân tích: quy định hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức xuất hóa đơn điện tử thông thường hay hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính. Vì vậy để yêu cầu các đơn vị phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính thì phải có quy định mới theo hướng bắt buộc áp dụng chung trên cả nước. Như vậy, việc người mua có lấy hóa đơn hay không là một chuyện nhưng người bán hàng hóa, dịch vụ phải có nghĩa vụ xuất hóa đơn. Đây là giải pháp để quản lý thuế của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đều có những trường hợp cố tình lách, né thuế nên không thực hiện quy định trên. Ngành thuế sẽ tiếp tục khó khăn khi chạy theo sau các cơ sở kinh doanh.

Chính vì vậy, chuyên gia này đề xuất nên tập trung có thêm các giải pháp khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi đi nhà hàng, khách sạn. Ví dụ, cần tăng thêm giải thưởng và hằng tuần thực hiện quay số trúng thưởng cho chương trình "Hóa đơn may mắn" hiện nay. Đồng thời chương trình này có thể khoanh vùng phạm vi nhỏ hơn theo từng tỉnh, thành phố để tỷ lệ, xác suất trúng thưởng cao hơn, thu hút được nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn. Người mua hàng hóa sẽ chú ý đến việc lấy hóa đơn khi ăn uống, mua sắm nhiều hơn. Điều đó sẽ gây áp lực ngược lại với các chủ nhà hàng, khách sạn… mà không cần cơ quan thuế phải mất nhiều công sức để kiểm tra, giám sát. 

Luật sư Trần Xoa nhấn mạnh: Ở nhiều nước áp dụng chính sách cho phép người tiêu dùng được khấu trừ các loại chi phí hợp lý, hợp lệ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân, tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp. VN cũng nên xem xét hướng đến chính sách này. Khi đó, tự động người tiêu dùng sẽ lấy hóa đơn các chi phí nên mọi cơ sở bán lẻ cũng sẽ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Bởi nếu không có hóa đơn thì chính người tiêu dùng sẽ tẩy chay điểm bán này.

Đồng tình, TS - luật sư Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty Luật Rajah & Tann LCT VN, nói thực tiễn cho thấy nhiều nhà hàng, cửa hàng thường không xuất hóa đơn khi bán lẻ. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong giao dịch kinh doanh, khi có đơn vị tuân thủ nghiêm túc việc xuất hóa đơn, có đơn vị thì không. Các đơn vị tuân thủ nghiêm túc việc xuất hóa đơn cho khách hàng thì có thêm gánh nặng chi phí và đánh mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ là một biện pháp hữu ích trong việc ngăn chặn tình trạng không xuất hóa đơn mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tính minh bạch và công bằng trong hệ thống thuế.

Để ngăn chặn tình trạng giấu doanh thu và giảm số thuế phải nộp ở các đơn vị bán lẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, luật sư Châu Huy Quang cho rằng có thể xem xét một số giải pháp như khuyến khích và dần đi đến việc bắt buộc sử dụng thanh toán điện tử để giảm tiền mặt và tăng khả năng theo dõi giao dịch. Ngành thuế có thể triển khai đồng bộ hệ thống sử dụng và báo cáo hóa đơn điện tử, liên kết và báo cáo online đối với các đơn vị bán lẻ; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra thuế, bảo đảm việc tuân thủ của cả cơ quan thuế và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. 

Việc áp dụng khấu trừ chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân là một phương pháp quản lý thuế khá hiệu quả và đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Phương thức này có thể là một giải pháp để tăng cường minh bạch và giảm tình trạng trốn thuế và cũng nên được xem xét nghiêm túc. Để áp dụng được phương thức này thì VN cần rà soát lại các quy định hiện hành, có thể cần phải sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn liên quan. Các quy định cần có sự tương thích với nhau và được thực hiện đồng bộ.

 Luật sư Châu Huy Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.