Đa dạng hình thức dạy học hè
Trong những năm qua, để tránh tình trạng học sinh đi học hè, sở GD-ĐT một số tỉnh, thành chỉ đạo cấm dạy thêm vào dịp hè để các em có thời gian nghỉ ngơi.
Chẳng hạn, Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây chỉ đạo các trường không tổ chức dạy thêm dưới mọi hình thức. Sở GD-ĐT Hải Phòng yêu cầu các trường không tổ chức dạy hè từ ngày 1.6-31.8, không dạy trước, nhất là với trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.
Trong giai đoạn kết thúc năm học trước hồi tháng 5.2022, tôi đi ngang qua các trung tâm, cơ sở dạy học và chứng kiến vẫn có khá đông học sinh học hè.
Việc dạy học hè rất đa dạng về hình thức và nội dung như: ôn tập kiến thức, rèn kỹ năng, nâng cao năng lực; học trực tiếp hoặc trực tuyến, đại trà, theo nhóm, gia sư, hay một kèm một... Thời gian học là một khóa 2-3 tháng hè, 2-3 buổi/tuần và học phí cũng khác nhau.
Học hè đúng hay sai?
Học sinh có cần phải học hè hay không? Đây là câu hỏi khó có đáp án vì tùy thuộc vào quan điểm của phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo.
Tôi nghĩ rằng dạy học hè (rộng hơn là dạy thêm) phải được pháp luật thừa nhận là một ngành nghề kinh doanh như bao ngành nghề khác để tạo cơ sở pháp lý, quản lý hiệu quả.
Bộ GD-ĐT từng ban hành Thông tư 17 năm 2012, quy định cụ thể về việc quản lý dạy học thêm. Đây là văn bản pháp quy nhưng tôi nhận thấy là không thể quản lý tốt được dạy thêm học thêm vì còn nhiều lỗ hổng và quá trình kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm chưa đồng bộ.
Vì thế, để mùa hè không phải học kỳ 3 như hiện nay, mong rằng Bộ GD-ĐT sớm luật hóa việc dạy thêm học thêm như nói trên. Bên cạnh đó, mục tiêu, kiến thức cần đạt, việc kiểm tra đánh giá trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cần có sự điều chỉnh nhằm đảm bảo vừa sức học sinh để các em không cần phải học thêm hay học hè.
Bình luận (0)